Tư vấn về việc xây dựng Hợp đồng lao động mùa

0
343

Chúng tôi hiểu là Quý Công ty đang muốn tư vấn về việc xây dựng Hợp đồng lao động mùa vụ với một số lao động không thường xuyên.

Hiện tại Quý Công ty đang sử dụng một số lao động để thực hiện các công việc không thường xuyên. Có tháng chỉ sử dụng một số ngày công nhất định nhưng có tháng lại sử dụng nhiều ngày công nên không thể trả lương cố định được mà thực hiện trả lương theo ngày công làm việc.

Những lao động này muốn tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm Y tế (BHYT). Công ty cũng muốn tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH cũng như để ổn định nguồn lao động.

Chúng tôi dự thảo 01 mẫu hợp đồng lao động theo mùa vụ đảm bảo tuân thủ pháp luật để Quý Công ty thực hiện giao kết đối với những đối tượng lao động này kèm theo.

Một số vấn đề pháp lý liên quan đến việc xây dựng Hợp đồng lao động mùa vụ này như sau:

  1. I.              CÁC VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG MÙA VỤ.
  2. 1.             Hình thức Hợp đồng lao động.

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật lao động thì có 03 loại hợp đồng lao động đó là: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động xác định thời hạn và Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Qua các thông tin mà đại diện bên Quý công ty cung cấp thì theo chúng tôi Quý Công ty sẽ ký với người lao động để thực hiện các công việc có tính chất mùa vụ, tạm thời với hình thức hợp đồng lao động mùa vụ là hợp lý và bảo đảm quyền lợi cho Quý Công ty.

  1. 2.             Nội dung của Hợp đồng.

Các bên phải ký kết hợp đồng lao động trước khi bên sử dụng lao động nhận người lao động vào làm việc. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.  Quý Công ty và người lao động được toàn quyền thỏa thuận các nội dung của Hợp đồng lao động về quyền và nghĩa vụ của các bên nhưng quyền lợi của người lao động không được thấp hơn theo quy định của Bộ luật lao động.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Bộ luật lao động về Nội dung của Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau:

a) Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;

c) Công việc và địa điểm làm việc;

d) Thời hạn của hợp đồng lao động;

đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

i) Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;

k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Để đảm bảo đúng quy định Luật lao động cũng như là cơ sở quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng thì hai bên cũng phải thỏa thuận các nội dung trên.

  1. II.             CÁC NỘI DUNG TRONG DỰ THẢO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG MÙA VỤ.
  2. 1.             Các nội dung đã dự thảo trong hợp đồng

Chúng tôi đã dự thảo các nội dung của Hợp đồng lao động dựa trên các yêu cầu của Quý công ty sau khi áp dụng các quy định pháp luật lao động. Các vấn đề mà Quý Công ty đề nghị cần đưa vào và làm rõ trong nội dung của Hợp đồng lao động đó là:

1.1.       Loại hình thức Hợp đồng lao động áp dụng đối với đối tượng lao động này.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật lao động thì có 3 loại hợp đồng lao động đó là:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Căn cứ vào các quy định trên thì Công ty sẽ áp dụng loại Hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Theo quy định tại điểm c thì chỉ quy định thời gian của Hợp đồng là dưới 12 tháng mà không quy định thời gian tối thiểu là mấy tháng. Nên Công ty có nhu cầu chỉ ký hợp đồng lao động với thời hạn 3 tháng là phù hợp với quy định trên.

Nhưng việc ký hợp đồng lao động với thời hạn 3 tháng như dự thảo của Công ty sẽ có bất lợi đó là việc nếu Công ty muốn ký tiếp hợp đồng lao động với người lao động đã ký 3 tháng đó thì chỉ được ký tiếp 01 lần Hợp đồng lao động có thời hạn. Nếu Công ty có nhu cầu tiếp tục sử dụng lao động đó thì phải chuyển sang ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

1.2.          Mức lương trong Hợp đồng lao động.

Trong hợp đồng lao động Quý Công ty thỏa thuận trả lương cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước. Mức lương mà Công ty căn cứ áp dụng là: 1.900.000 đồng/tháng. (Bằng chữ: Một triệu chin trăm ngàn đồng trên một tháng).

Việc trả lương cho người lao động với mức như trên là phù hợp với quy định khoản 1 Điều 90 và khoản 1 Điều 91 Bộ luật lao động cũng như quy định tại Nghị định 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

Công ty đóng trụ sở Xóm Tiềng, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình và thuê lao động làm việc tại trụ sở Công ty. Theo quy định tại Nghị định 182/2013/NĐ-CP thì Công ty hoạt động trên địa bàn vùng IV nên sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng là: 1.900.000 đồng/tháng đối với lao động chưa qua đào tạo làm công việc giãn đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

1.3       Việc tham gia BHXH, BHYT và BHTN

Hợp đồng lao động dự thảo là Hợp đồng lao động mùa vụ có thời hạn 3 tháng nên việc tham gia BHXH của người lao động áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội thì người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

”1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế thì đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế như sau:

“1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật về tiền lương, tiền công; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là người lao động)”.

Như vậy theo thời hạn của Hợp đồng mà Quý Công ty dự kiến ký với người lao động là 11 tháng nên Công ty và người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH và BHYT.

Nhưng ở đây Công ty và người lao động ký Hợp đồng lao động mùa vụ để thực hiện các công việc không thường xuyên và trả công theo tiền lương ngày làm việc nên có tháng người lao động làm đủ ngày công theo tháng, nhưng có tháng chỉ thực hiện một số ngày công nhất định nên mức lương thực tế người lao động nhận được không đủ mức tham gia BHXH, BHYT theo quy định thì xác định mức đóng BHXH thế nào? Có phải tham gia đóng BHXH hay không?

Theo quy định tại điểm 2.4 khoản 2 Điều 6; khoản 4 Điều 6 và khoản 4 Điều 15 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH về việc ban hành quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành hướng dẫn luật BHXH, Luật BHYT  có quy định về tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương, tiền công tháng theo quy định chứ không đóng bảo hiểm xã hội theo tiền công ngày, giờ, tiền công tuần hoặc tiền lương theo sản phẩm. Mức tiền lương, tiền công đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu chung hoặc mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.

Như vậy Công ty và người lao động khi tham gia BHXH, BHYT thì tiền lương, tiền công đóng căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng là 1.900.000 đồng để làm căn cứ mức đóng BHXH. Vì vậy khi người lao động không làm đủ bình quân 26 ngày làm việc/ 1 tháng nên mức lương thực tế nhận được không đủ 1.900.000 đồng trong khi Công ty vẫn phải đóng BHXH, BHYT với mức là 1.900.000 đồng. Để bảo vệ quyền và lợi ích của Công ty thì trong trường hợp này Công ty và người lao động cần thỏa thuận với nhau về việc người lao động trả phần chênh lệch số tiền mà Công ty đã tham gia BHXH, BHYT cho người lao động.

Chúng tôi đã dự thảo thỏa thuận về việc tham gia BHXH và BHYT của Quý Công ty và người lao động khi mức lương thực hưởng của người lao động trong tháng không đủ mức đóng BHXH, BHYT hiện tại là 1.900.000 đồng. Việc thỏa thuận yêu cầu người lao động bù số tiền chênh lệnh mà Công ty đóng cho Cơ quan bảo hiểm với số tiền thực hưởng trong tháng của người lao động là bảo đảm quyền lợi cho cả Công ty và người lao động.

Đối với việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì đối với Hợp đồng mùa vụ có thời hạn 3 tháng thì người lao động không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Điều này đã được quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội về đối tượng áp dụng như sau:

“Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng với người sử dụng lao động quy định tại khoản 4 Điều này”.

Vì vậy trong mục 3.1.8 Điều 3 của dự thảo hợp đồng lao động về nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động chúng tôi đã đưa vào với nội dung người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp nên sẽ không tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Trường hợp người lao động đề nghị tạm dừng đóng BHXH và BHYT trong thời hạn của Hợp đồng có được không?. Trong Luật Bảo hiểm xã hội không có quy định nào về việc người Lao động đề nghị tạm dừng việc tham gia BHXH và BHYT. Tại Điều 93 Luật Bảo hiểm xã hội chỉ quy định trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh đó là:

”1. Trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh hoặc gặp khó khăn do thiên tai, mất mùa dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thì được tạm dừng đóng trong thời gian không quá mười hai tháng.

2. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, khoảng thời gian tạm dừng đóng và thẩm quyền quyết định việc tạm dừng đóng”.

Mặt khác khi Công ty dự kiến ký hợp đồng mùa vụ với thời hạn là 11 tháng thì thuộc trường hợp tham gia BHXH và BHYT.  Vì vậy để tránh việc vô hiệu hợp đồng với nội dung này đề nghị Quý Công ty và người lao động không thỏa thuận nội dung này.

  1. 2.             Một số vấn đề thắc mắc của Công ty cần giải đáp liên quan đến dự thảo hợp đồng lao động.

2.1    Thời hạn của Hợp đồng lao động là mấy tháng.

Căn cứ vào nội dung đã trao đổi với đại diện của Quý Công ty thì chúng tôi dự thảo hợp đồng lao động với loại hợp đồng theo mùa vụ để thực hiện các công việc không thường xuyên. Căn cứ vào quy định tại điểm c khoản 1 điều 22 Bộ luật lao động về loại hợp đồng lao động thì : “Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng”.

Theo quy định này thì chỉ quy định thời hạn của Hợp đồng là dưới 12 tháng mà không quy định mức tối thiểu thời hạn hợp đồng là bao nhiêu tháng. Vì vậy căn cứ vào nhu cầu thực tế của Công ty thì Quý Công ty thực hiện ký hợp đồng lao động thời vụ với thời hạn dưới 12 tháng là đúng quy định pháp luật.

2.2.       Tiền lương trả cho người lao động là 1.900.000 đồng/ 26 ngày công.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Bộ luật lao động về tiền lương thì:

“Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định”.

Mặt khác theo quy định tại Nghị định 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động thì mức lương tối thiểu vùng IV áp dụng cho Công ty là: 1.900.000 đồng/ tháng đối với lao động chưa qua đào tạo làm công việc giãn đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Nếu Công ty áp dụng thời gian làm việc 8 giờ/ ngày và 48 giờ/ tuần thì thời gian làm việc bình quân trong một tháng là 26 ngày công. Nhưng trên thực tế có tháng đủ và tháng thiếu nên có tháng sẽ không đủ 26 ngày công. Theo chúng tôi để phù hợp với quy định pháp luật cũng như ngày thực tế trong tháng thì Công ty nên quy định mức lương là: 1.900.000 đồng/ tháng là hợp lý nhất.

2.3.          Phần Công đoàn phí và bảo hiểm thất nghiệp.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn có quy định:

Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”.

Nếu theo quy định này thì Công ty phải đóng kinh phí công đoàn với mức 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Như vậy khi Công ty tham gia bảo hiểm xã hội cho đối tượng là người lao động thời vụ 3 tháng như trên thì khi người lao động không làm đủ công và lương thực nhận không đủ 1.900.000 đồng/ tháng thì Công ty vẫn phải đóng 2% kinh phí công đoàn căn cứ vào quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Khi thực hiện quy định này thì Công ty lại phải thêm một khoản chi phí nữa để thực hiện theo quy định pháp luật công đoàn. Công ty muốn người lao động phải hoàn trả số tiền đóng kinh phí công đoàn đó cho Công ty khi người lao động tham gia công đoàn có mức lương trong tháng thấp hơn mức tham gia bảo hiểm xã hội.

Đây là một yêu cầu phù hợp với thực tế và bảo vệ lợi ích của Công ty nhưng thực tế Luật Công đoàn chưa có quy định cụ thể về trường hợp này. Còn nếu Công ty muốn đưa vào nội dung hợp đồng lao động để ràng buộc người lao động bù phần chênh lệnh như mục tham gia Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tê lại không đúng tinh thần của Hợp đồng lao động. Vì theo quy định tại Điều 15 Bộ luật lao động về hợp đồng lao động có quy định:

“Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”.

Việc người lao động tham gia tổ chức công đoàn cũng như các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với tổ chức, hoạt động công đoàn được điều chỉnh bởi quy phạm luật Công đoàn.

Vì vậy vấn đề này Công ty có thể đàm phán, thương lượng với ban chấp hành công đoàn cơ sở để thỏa thuận riêng vấn đề này hoặc có thể không yêu cầu người lao động bù tiền chênh lệnh vì thực tế số tiền chênh lệnh cũng rất nhỏ.

Về mục người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp hay không chúng tôi đã nêu ở mục 2.1.3 phần 2 về các nội dung trong dự thảo hợp đồng thời vụ.