Mới đây, ở Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm: “Cục Sở hữu trí tuệ 35 năm xây dựng và phát triển, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế”.
Những đóng góp quan trọng
Ngày 29/7/1982, Cục Sở hữu trí tuệ (tiền thân là Cục thân là Cục Sáng chế) được thành lập. Chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển đã đánh dấu những mốc lịch sử quan trọng của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT). Từ một đơn vị mới thành lập với 27 cán bộ, trải qua 35 năm phát triển, Cục SHTT đã trở thành một đơn vị lớn mạnh với 21 đơn vị trực thuộc, 335 cán bộ, công chức và người lao động làm việc tại trụ sở chính Hà Nội và 2 Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về SHTT cũng như các hoạt động sự nghiệp về sở hữu công nghiệp, cơ bản đáp ưng được nhu cầu của xã hội, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của khoa học, công nghê nói riêng và kinh tế của đất nước nói chung trong thời kỳ hội nhập.
Một sự kiện quan trọng, đánh dấu một giai đoạn mới của quá trình phát triển hoạt động SHTT của Việt Nam là ngày 29/11/2005, Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật SHTT, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2006. Cùng với Bộ luật Dân sự năm 2005, hai văn bản này đã tạo thành một hệ thống các quy định hoàn chỉnh và thống nhất về quyền SHTT, thay thế cho các quy định trước đây. Một loạt các văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật SHTT cũng đã được Cục SHTT chủ trì, phối hợp xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ký ban hành sau đó.
Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về SHTT trong giai đoạn này đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận như: Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO kể từ ngày 11/01/2007 (trong đó Cục SHTT góp phần quan trọng trong quá trình đàm phán nội dung về SHTT); tham gia đàm phán hàng loạt các FTA có nội dung về SHTT, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, khu vực và quốc gia về SHTT, …
Công tác xác lập quyền trong giai đoạn này đã có những bước tiến đáng kể. Số lượng đơn đăng ký xác lập quyền SHCN liên tục gia tăng. Năm 2003, số lượng đơn đăng ký sáng chế là 774 đơn, số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích là 127 đơn, số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là 680 đơn, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu là 12.135 đơn. Đến năm 2016, con số này đã là 5.228 đơn sáng chế, 478 đơn giải pháp hữu ích, 2.868 đơn kiểu dáng công nghiệp và 42.848 đơn nhãn hiệu, gấp từ 3-8 lần so với năm 2003.
Có thể nói, cùng với sự phát triển của lĩnh vực SHTT, hoạt động của Cục SHTT thời gian qua đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển củạ nền kinh tế đất nước, là động lực cho đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá.
Vẫn còn những tồn tại cần khắc phục
Mặc dù đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận như trên, nhưng hoạt động của Cục SHTT vẫn còn những tồn tại cần khắc phục để đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Đó là, việc đề xuất các chủ trương, chính sách cũng như xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực SHTT trong một số trường hợp còn chưa kịp thời. Công tác xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống và công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên. Công tác nghiên cứu khoa học về SHTT chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thường xuyên có các kết quả nghiên cứu làm luận cứ cho công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, đặc biệt là các vấn đề chuyên môn phát sinh. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Cục và cho xã hội chưa bài bản, chưa có chương trình và giáo trình chuẩn mực để đào tạo cán bộ mới, đặc biệt là đào tạo cho thẩm định viên. Hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của xã hội về SHTT vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác cán bộ, kế hoạch, quản trị cơ sở vật chất còn nhiều bất cập.
Từ đó, Cục SHTT đưa ra 8 nhiệm vụ quan trọng nhằm khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới. Một là, nâng cao hiệu quả của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản pháp luật về SHTT. Hai là, bảo đảm thời gian và chất lượng xử lý đơn đăng ký xác lập quyền SHCN. Ba là, tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng về SHTT. Bốn là, tăng cường hiệu quả của việc thực hiện chức năng cơ quan hệ thống SHTT. Năm là, tăng cường hiệu quả của công tác hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động quản lý nhà nước về SHTT đối với các địa phương và quản lý các tổ chức dich vụ hỗ trợ về sở hữu công nghiệp. Sáu là, đổi mới tổ chức và hoạt động của Cục SHTT. Bảy là, xây dựng cơ sở vật chất, cơ chế tài chính phù hợp cho cơ cấu tổ chức đã được đổi mới của Cục SHTT. Tám là, nâng cao nhận thức của công chúng về SHTT.