Vấn đề áp dụng luật doanh nghiệp và luật đầu tư năm 2014

0
393

Nhận lời mời của ban biên tập chương trình Chính sách và cuộc sống của VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trao đổi về việc áp dụng luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2014.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

PV: Từ kinh nghiệm của Ông, để Luật đi vào cuộc sống cần có những bước tiếp theo như thế nào? 

Trả lời:

Tại Việt Nam, để một đạo luật đi vào thực tiễn cuộc sống, tuần tự vẫn luôn là:

(1)   Luật có hiệu lực;

(2)   Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết và thi hành Luật;

(3)   Các Bộ liên quan ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định. Có thể là một Thông tư hoặc nhiều thông tư. Có thể là Thông tư do một Bộ ban hành, có thể là Thông tư liên tịch giữa nhiểu bộ, ngành phối hợp với nhau để ban hành.

(4)   Trên thực tế, nhiều trường hợp còn cần đến cả công văn hướng dẫn cụ thể một vấn đề nào đó mà Thông tư chưa đề cập chi tiết.

Luật Doanh nghiệp đã được Quốc hội thông qua vào năm 2014 và đã ấn định thời điểm có hiệu lực là kể từ ngày 1/7/2015 cũng không nằm ngoài trình tự nêu trên.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật doanh nghiệp đã được soạn thảo, thảo luận, lấy ý kiến từ nhiều tháng nay, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa chính thức được ban hành.

Vì vậy, các đối tượng áp dụng Luật này vẫn đang chờ đợi để có được văn bản hướng dẫn cụ thể.

PV: Sau khi có hiệu lực mà chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành thì các quy định của Luật doanh nghiệp được áp dụng như thế nào? 

Trả lời:

Thực tế thì tính đến sát ngày 1/7/2015 – ngày mà Luật doanh nghiệp chính thức có hiệu lực, vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành được ban hành. Mặt khác, theo nguyên tắc có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, mà Nghị định là một loại, thì phải sau một số ngày nhất định kể từ ngày văn bản được ban hành mới có hiệu lực. Thế nên, vào đúng ngày Luật Doanh nghiệp có hiệu lực – 1/7/2015, chắc chắn là chưa có quy định hướng dẫn có hiệu lực để triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp.

Theo như trao đổi không chính thức giữa luật sư của SBLaw chuyên tiến hành các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, cụ thể là thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, … với cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội thì họ cũng chưa biết phải hướng dẫn cho doanh nghiệp hay các đơn vị tư vấn như thế nào. Do vậy, giải pháp vẫn là hồ sơ thì vẫn soạn theo các biểu mẫu cũ, có thể nội dung của hồ sơ thì bám theo quy định của Luật mới để soạn, trình tự thủ tục thì vẫn nộp theo cách đã thực hiện. Trong quá trình xét duyệt, nếu cán bộ Sở yêu cầu sửa hồ sơ thì sửa theo hướng dẫn của Sở. Cái khó là có thể đến Sở cũng không biết phải hướng dẫn sửa như thế nào.

Kinh nghiệm qua nhiều lần trải qua nhiều Văn bản Luật có hiệu lực mà chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể là Nghị định, Thông tư …, chúng tôi thấy rằng, việc tiến hành các thủ tục bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, có khi là bị đình trệ, dừng hẳn lại, cho đến khi có được văn bản hướng dẫn cụ thể. Có thể các cơ quan chức năng vẫn nhận hồ sơ, nhưng thời gian xét duyệt bị kéo dài hơn trước đó, là bởi bản thân các cơ quan đó cũng chưa biết hướng dẫn thực hiện như thế nào.

Nên tóm lại, với Luật doanh nghiệp 2015 thì độ trễ trong thực hiện theo hiệu lực của Luật là chắc chắn có. Doanh nghiệp và các cơ quan cấp phép của nhà nước vẫn phải đợi cho đến khi có văn bản cụ thể hướng dẫn thi hành thì việc thực hiện mới được trơn tru.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trao đổi với phóng viên VTV1
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trao đổi với phóng viên VTV1

PV: Luật Doanh nghiệp  2014 đã quy định rõ ràng tách bạch giữa yêu cầu thành lập doanh nghiệp và yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với ngành,  nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng đến nay các điều kiện kinh doanh vẫn  còn  nhiều tranh cãi,  ông  nghĩ như thế nào về điều này?

Trả lời:

Theo quy định của Luật doanh nghiệp mới thì kể cả là kinh doanh những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp không bị bắt buộc phải có đủ các điều kiện đó. Tức là, việc thành lập doanh nghiệp, cứ thành lập. Còn khi đi vào hoạt động cụ thể ngành nghề đó, thì lúc ấy mới phải đáp ứng điều kiện của những ngành nghề đó. Đây là một bước tiến đột phá của Luật doanh nghiệp mới, mở rộng quyền đầu tư của các cá nhân, tổ chức có nhu cầu đầu tư bằng việc thành lập ra một pháp nhân để kinh doanh.

Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được liệt kê trong Nghị định định hướng dẫn thi hành Luật đầu tư mới, cũng có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015. Tuy nhiên, tính đến ngày hôm nay, 30/6/2014, Nghị định này vẫn chưa được ban hành. Vì vậy mà vẫn chỉ là ý kiến không chính thức mà thôi.

Vì vậy, tôi cho rằng, vẫn phải ngồi đợi cho đến khi có văn bản hướng dẫn cụ thể Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư thì mới thực hiện được.

Và đến ngày 1/7/2015 – ngày được ấn định để Luật có hiệu lực, thì vẫn chưa thể triển khai thực hiện được theo những quy định của Luật mới.