Nhận lời mời của chương trình Tâm Chấn, kênh VITV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW đã có phần trả lời phóng viên Phạm Hạnh như sau:
Câu 1: Thưa ông hiện nay hiện nay rất nhiều DN lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn sai (ví dụ sai sót số liệu giữa các quí). Khi lên cơ quan thuế để nộp bị cơ quan thuế phát hiện ra sai sót và yêu cầu về kê khai lại? Vậy theo ông nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng này? Và điều này có ảnh hưởng gì đến thông tin DN (nhất là có bị cơ quan thuế chú ý, nằm trong diện sẽ bị thanh kiểm tra không)?
Trả lời:
Nguyên nhân doanh nghiệp lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn sai:
– Đối với doanh nghiệp mới thành lập, do chưa có hiểu biết cụ thể về các quy định pháp luật, nên chưa đảm bảo việc nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng.
– Bên cạnh đó một số doanh nghiệp chưa nắm rõ quy định: trong trường hợp không sử dụng hóa đơn thì vẫn phải lập báo cáo hàng quý cho cơ quan thuế và ghi số lượng hàng hóa sử dụng = 0. Nên trong quá trình lập báo cáo, không thực hiện đúng.
– Do sự thiếu cẩn trọng trong quá trình xuất hóa đơn, và sau thời gian nộp báo cáo, doanh nghiệp mới được phản hồi về việc hủy hóa đơn.
Ví dụ như: công ty A đã thực hiện gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn Quý 1 qua mạng đúng với thời hạn nộp. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng, công ty A mới được khách hàng thông báo yêu cầu hủy hóa đơn vì lý do viết thiếu thông tin của khách nên không chấp nhận, nêu yêu cầu viết lại hóa đơn. Do vậy báo cáo quý 2 đúng thành sai. Trong trường hợp này, để làm đúng, thì Công ty A phải hủy hóa đơn đã kê khai thuế, đồng thời phải nộp báo cáo điều chỉnh báo cáo thuế đã nộp của quý 2 trong quý 3.
Những sai sót được cơ quan thuế phát hiện và yêu cầu kê khai lại sẽ mạng lại hiệu quả tích cực hơn cho doanh nghiệp, Việc các doanh nghiệp sau nhiều lần sai phạm có nằm trong diện thanh kiểm tra của cơ quan thuế cũng chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế, đồng thời giúp công khai minh bạch các hóa đơn chứng từ. Tôi cho rằng việc rà soát và thanh tra của cơ quan thuế trong trường hợp này là cần thiết.
Câu 2: Hiện nay đã có những văn bản pháp luật và những qui định cụ thể nào nào đối với các trường hợp lập sai báo cáo hóa đơn sai? Thời gian qui định cho phép DN được điều chỉnh như thế nào? DN sẽ phải chịu hình thức xử lý như thế nào?
Trả lời:
Văn bản pháp luật và hình thức xử phạt.
Hiện nay, chế tài điều chỉnh đổi đối với hành vị lập sai báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn được quy định tại Thông tư 10/2014/TT-BTC ngày 17/1/2014 hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn. Cụ thể tại khoản 1 Điều 13 có quy định như sau:
– Doanh nghiệp bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hóa đơn.
– Phương pháp khắc phục: Doanh nghiệp phải lập và gửi lại cơ quan thuế các báo cáo đúng quy định. Tức là với hóa đơn sai thì DN phải hủy. Nếu đã kê khai thuế, thì phải nộp báo cáo điều chỉnh báo cáo đã kê khai.
– Thời gian khắc phục:
- Căn cứ theo Điều 27 Thông tư 39/2014/TT-BTC: Hàng quý, doanh nghiệp phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cho cơ quan thuế theo lộ trình thời gian như sau:
- Quý 1: nộp chậm nhất vào ngày 30/4
- Quý 2: nộp chậm nhất vào ngày 30/7
- Quý 3: nộp chậm nhất vào ngày 30/10
- Quý 4: nộp chậm nhất là ngày 30/01 của năm sau.
Theo đó, trong trường hợp doanh nghiệp phát hiện sai sót, và đã lập lại báo cáo thay thế theo đúng quy định và gửi trong thời gian nêu trên, thì sẽ không bị xử phạt.
Câu 3: Được biết, năm 2012 Tổng Cục thuế đã có công văn số 22 hướng dẫn các DN lập báo cáo. Theo đó đã hướng dẫn chi tiết số liệu tại 22 cột trên biểu báo cáo. Tuy nhiên nhiều DN vẫn chưa nắm rõ và để tình trạng sai sót trên. Phải chăng ẩn chứa đằng sau còn có 1 lợi ích khác của DN???
Trả lời:
Mặc dù đã được hướng dẫn chi tiết số liệu tại 22 cột trên biểu báo cáo, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn để xảy ra tình trạng sai sót trên cũng bởi do doanh nghiệp chưa thật nắm rõ quy định pháp luật, ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng cố ý làm sai nhằm hạn chế việc khê khai thuế ẩn sau đó là mục đích gian lận thuế, và trốn thuế.
Tuy nhiên, hiện nay các quy định trong pháp luật thuế đã được sửa đổi ngày càng chi tiết và rõ ràng, bên cạnh đó cơ quan thuế có cơ chế thanh kiểm tra sát sao và kịp thời nên tình trạng tiêu cực nêu trên sẽ nhanh chóng được loại bỏ.
Tôi cho rằng, đã tham gia vào kinh doanh, chủ doanh nghiệp buộc phải biết các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình. Việc không biết hoặc chủ quan dẫn đến làm sai quy định của pháp luật tất yếu sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật bởi các chế tài luật đã định. Do vậy, các chủ doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật quy định của pháp luật để đảm bảo việc tuân thủ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn cơ quan thuế, với chức năng là cơ quan quản lý, có ự hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể hoàn thiện quy trình, tránh bị chịu các chế tài.