Luật sư Nguyễn Tiến Hoà đã có phần trả lời phỏng vấn kênh Let’s Viet, VTC9 về Vấn đề xâm phạm bản quyền truyền hình, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài trả lời phỏng vấn:
Câu hỏi 1: Thưa Luật sư, theo ông, hình thức phát lại phim của kênh Let’s Viet – VTC9 trên các website phim trực tuyến và đầu thu – phát kỹ thuật số nhưng chưa có sự đồng ý bằng văn bản, thì đó có phải vi phạm bản quyền không? Tại sao ông có thể khẳng định như vậy?
Trả lời: Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, Let’s Viet là đơn vị sản xuất các bộ phim và các chương trình truyền hình thì quyền sở hữu trí tuệ thuộc đối với các tác phẩm này thuộc về Let’s Viet.
Let’s Viet có quyền độc quyền và cho phép các đơn vị khác khai thác các tác phẩm này và có quyền chống lại các hành vi vi phạm.
Cũng theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, tác phẩm điện ảnh, các chương trình truyền hình, film là đối tượng bảo hộ về bản quyền tác giả.
Vì vậy, hành vi của các đơn vị khác khi sử dụng các tác phẩm của Let’s Viet mà không có sự đồng ý bằng văn bản và không trả tiền thù lao cho chủ sở hữu là hành vi vi phạm bản quyền theo quy định tại khoản 8 và 10 Điều 28 Luật SHTT.
Cụ thể như sau:
Khoản 8: Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật,trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này và Khoản 10: Nhân bản,sản xuất bản sao,phân phối,trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
.
Câu hỏi 2: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, những hình thức vi phạm trên được quy định tại điều khoản nào? Hình thức xử phạt cụ thể, chế tài ra sao? (Nếu chưa đủ dữ liệu khẳng định, LS có thể lấy ví dụ những vụ việc trước đây từng giải quyết)
Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ thì chủ sở hữu quyền tác giả bị xâm phạm có các quyền tự bảo vệ sau đây: Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt. hành vi xâm phạm bản quyền. Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ nhất, áp dụng các biện pháp công nghệ hoặc gửi thư cảnh báo, đây được xem là biện pháp tự bảo vệ của chủ thể quyền. Đối với việc áp dụng các biện pháp công nghệ, quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định 100/2006/NĐ-CP được hiểu là việc các chủ thể quyền đưa các thông tin quản lý quyền gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; đưa thông tin quản lý quyền xuất hiện cùng với việc truyền đạt tác phẩm tới công chúng nhằm xác định tác phẩm, tác giả của tác phẩm, chủ sở hữu quyền, thông tin về thời hạn, điều kiện sử dụng tác phẩm và mọi số liệu hoặc mã, ký hiệu thể hiện thông tin đó để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời các chủ thể quyền có thể áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ các thông tin quản lý quyền, ngăn chặn các hành vi tiếp cận tác phẩm, khai thác bất hợp pháp quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật. Đối với việc áp dụng biện pháp cảnh báo, chủ thể quyền có thể gửi thư cảnh báo trực tiếp đến chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm để yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, áp dụng các biện pháp hành chính. Cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ, cụ thể là quyền tác giả còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Đối với trường hợp này: các website phim trực tuyến và đầu thu – phát kỹ thuật số nhưng chưa có sự đồng ý bằng văn bản có thể áp dụng các biện pháp hành chính quy định tại Điều 15, Điều 17 và Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP như sau:
Điều 15. Hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 17. Hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 18. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Thứ ba, áp dụng các biện pháp dân sự. Như vậy, ngoài các biện pháp hành chính, pháp luật Việt Nam còn quy định các biện pháp dân sự để xử lý hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo đó, chủ thể quyền có thể khởi kiện tổ chức có hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ. Biện pháp dân sự có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý cho tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền như sau:
- Chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Xin lỗi, cải chính công khai;
- Thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Bồi thường thiệt hại;
- Tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ tư, áp dụng biện pháp hình sự, đây có thể được xem là biện pháp mang đến hậu quả pháp lý nghiêm khắc nhất trong tất cả các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ. Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Cụ thể, Điều 131 Bộ luật Hình sự 2003 quy định:
Tội xâm phạm quyền tác giả
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm:
- a) Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
- b) Mạo danh tác giả trên tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
- c) Sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
- d) Công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Phạm tội nhiều lần;
- c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Bên cạnh đó, chủ thể quyền trong trường hợp này sẽ phải yêu cầu khởi tố vụ án Hình sự theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003.
Trên đây là quy định về chế tài, còn tôi có thể nêu ra một số vụ việc tiêu biểu trong thời gian gần đây như sau:
Như đã đưa tin trước đây, tình trạng vi phạm bản quyền phim và các chương trình truyền hình trên Internet diễn ra trên diện rộng và đang có chiều hướng gia tăng.
Nhưng việc xử lý vi phạm bản quyền trên Internet (trên các website phim trực tuyến và đầu thu – phát kỹ thuật) lại gặp nhiều khó khăn.
Theo quan điểm của Thanh tra Bộ TT&TT là kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm về bản quyền. Trong thời gian gần đây, Thanh tra Bộ TT&TT đã xử lý mạnh tay đối với một số trường hợp vi phạm bản quyền phim trên Internet sau khi nhận được phản ánh của chủ sở hữu quyền tác giả, cụ thể là các vụ: Bộ VH-TT&DL đã xử phạt hành vi xâm phạm quyền tác giả với sản phẩm điện ảnh của MPA (Hiệp hội Điện ảnh Mỹ) tại 3 trang mạng: phim47.com; v1vn.com và pub.vn.
Hay mới đây, Đoàn thanh tra liên ngành bao gồm Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) – Bộ Công an đã tiến hành thanh tra đột xuất đối với hai công ty Bách Triệu Phát và Pine Multimedia Technologies (TP Hồ Chí Minh) vì liên quan đến các hành vi vi phạm về cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng tại địa chỉ hayhaytv.vn; hành vi cung cấp các phim không có bản quyền cho người sử dụng dịch vụ tại website trên.
Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm bản quyền trên Internet gặp khá nhiều khó khăn trong việc xác định chủ thể của các website. Bởi hầu hết các trang web vi phạm đều đăng ký tên miền quốc tế, chủ thể những trang này đều ẩn danh, hoặc khai báo thông tin không đúng để tránh sự kiểm tra của cơ quan pháp luật,vì vậy có thể nói cuộc chiến chống vi phạm bản quyền trên Internet là cuộc chiến rất cam go, lâu dài.
.