Vì sao Nguyễn Kim bị truy thu thuế và xử phạt gần 150 tỷ đồng?

0
649

Trong bài “Vì sao Nguyễn Kim bị truy thu thuế và xử phạt gần 150 tỷ đồng?” đăng trên báo Kinh tế và Đô thị, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Kinhtedothi – Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có quyết định số 3506/QĐ-CT xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim.

Theo quyết định này, tổng số tiền bị truy thu lên đến gần 150 tỷ đồng.
Cụ thể, qua thanh tra các hành vi kê khai và nộp thuế của doanh nghiệp này trong vòng 10 năm qua, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện doanh nghiệp này kê khai không đúng thu nhập cá nhân của cán bộ, công nhân viên công ty, dẫn đến thất thu thuế thu nhập cá nhân cho nhà nước số tiền hơn 104 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này bị phạt vi phạm hành chính về thuế hơn 19,4 tỷ đồng và số tiền chậm nộp thuế thu nhập cá nhân hơn 24 tỷ đồng. Tổng số tiền doanh nghiệp phải nộp ngân sách là gần 150 tỷ đồng.
Việc truy thu thuế thu nhập cá nhân này liên quan đến việc kê khai lương nhân viên của siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Hơn chục năm qua, năm nào nhân viên cũng ủy quyền cho công ty quyết toán thuế đầy đủ. Tuy nhiên, điện máy Nguyễn Kim đã “lách” thuế thu nhập cá nhân bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ.
Chẳng hạn, chức danh trưởng bộ phận được thực nhận là 50 triệu đồng/tháng nhưng Nguyễn Kim chỉ khai thuế với lương cơ bản là 12 triệu đồng/tháng. Số tiền chênh lệch 38 triệu đồng được chuyển thành lương tăng ca (chỉ nộp bằng giờ làm việc bình thường, phần chênh lệch được miễn thuế).
Tương tự, các khoản tiền thưởng hàng quý, hàng năm của hàng nghìn nhân viên cũng được Nguyễn Kim chuyển thành lương ngoài giờ để trốn thuế phần chênh lệch. Do vậy, chỉ riêng số thuế thu nhập cá nhân mà điện máy Nguyễn Kim đã trốn nộp cho ngân sách đã hơn 100 tỷ đồng.
Luật sư-tiến sỹ Bùi Quang Tín, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết về mặt chủ quan thì cá nhân hay pháp nhân trốn thuế phải có tính cố ý hoặc phải có hành vi gian dối. Cho nên phải xem xét Nguyễn Kim về mặt chủ quan thì tính cố ý tới đâu, cố ý hay vô ý, có gian dối hay không. Việc chứng minh này chỉ có cơ quan cảnh sát điều tra chứng minh được qua các hồ sơ sổ sách.
Theo ông Tín, hiện nay, pháp luật Việt Nam đã cởi mở hơn khi xử lý vi phạm về thuế so với Bộ luật Hình sự trước đây. Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội trốn thuế, cá nhân người vi phạm có thể lựa chọn giữa bị phạt tiền, số tiền với cá nhân trốn thuế hơn 1 tỷ thì có thể bị phạt tối đa 4,5 tỷ hoặc chọn bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Riêng với pháp nhân vi phạm thì số tiền phạt tối đa là 10 tỷ hoặc bị tạm ngưng hoạt động tối đa là 3 năm.
Phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết thuế thu nhập cá nhân đánh trên các cá nhân nộp thuế chứ không phải đánh thuế trên công ty. Các cá nhân có thu nhập cao phải đóng thuế cho nhà nước theo các mức khác nhau. Như vậy, ở đây, các doanh nghiệp gần như không có liên quan đến cái thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, thông thường, tại Việt Nam và các nước trên thế giới đều yêu cầu đơn vị trả thu nhập cho lao động đứng ra đóng thuế thay cho các cá nhân có thu nhập cao tại đơn vị mình.
Doanh nghiệp đứng ra tính thuế và nộp thuế thay cho cá nhân. Nếu cá nhân đó có nguồn thu nhập từ nhiều doanh nghiệp khác nhau thì cuối cùng họ phải thực hiện quyết toán với cơ quan thuế và như vậy, cá nhân là người chịu trách nhiệm cuối cùng về số thuế phải đóng.
“Chính vì lẽ đó, trong thời gian vừa qua, ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt ở các doanh nghiệp có bộ khung được nhận thu nhập cao như ở các cái ngân hàng thương mại, ở các tổng công ty, có nhiều cán bộ có khoản thu nhập cao lên tới vài trăm triệu một tháng, thường họ giấu những khoản thu nhập này,” ông Thịnh nhận định.
Ông Thịnh cho rằng doanh nghiệp thường tìm cách phân chia khoản thu nhập đó ra bình quân cho những cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp hoặc là tính vào những khoản lương, thưởng khác mà không phải chịu thuế. Đó có thể gọi là hành vi cố tình trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Điều này là đáng lên án bởi vì doanh nghiệp đã trả cho người lao động có mức thu nhập này phải đóng thuế để đảm bảo sự bình đẳng của tất cả công dân trước pháp luật.
Khi cơ quan thuế phát hiện ra những doanh nghiệp nào cố tình trốn thuế thì không những cần thu hồi lại số thuế mà doanh nghiệp đã trốn, tránh thuế mà còn phải có mức phạt thích đáng.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, mức phạt tiền hiện nay được phía Việt Nam đề ra vẫn còn tương đối thấp so với mức trốn, tránh thuế.
Về mặt nguyên tắc, ở Việt Nam nói riêng cũng như ở các các nước trên thế giới đều có cơ chế phạt khi cá nhân, pháp nhân cố tình trốn hay tránh thuế. Cơ chế phạt này rất nặng, thậm chí lên tới 200-300% phần giá trị trốn thuế.
Đơn cử như ở Trung Quốc mức phạt là 300%, Mỹ phạt từ 100-150%. Mức phạt cao sẽ có tính răn đe cao. Tại Việt Nam, cơ chế về kiểm tra, giám sát và xử lý về trốn thuế còn tương đối nhẹ nhàng, thiếu khả năng răn đe.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR), hiện tượng trốn, tránh thuế cũng khá phổ biến ở các doanh nghiệp Việt Nam. Qua vi phạm của Nguyễn Kim, cơ quan thuế cần tiếp tục thanh tra các công ty khác để tạo môi trường công bằng, minh bạch cho tất cả các doanh nghiệp.
“Theo tôi, các quy định của ngành thuế đã rất chặt chẽ. Điều cần làm bây giờ là nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ thuế, phải rà soát cả các doanh nghiệp khác, đã làm thì nên làm đều, để tạo công bằng,” ông Thành nói.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW cho rằng quyết định truy thu và xử phạt tổng cộng gần 150 tỷ đồng đối với Nguyễn Kim là số tiền tương đối lớn với doanh nghiệp.
Về mặt pháp lý, nếu Nguyễn Kim không đồng ý với quyết định xử phạt thì Nguyễn Kim hoàn toàn có thể khiếu nại với cơ quan cấp trên, tức là Tổng cục Thuế, cũng như là có thể khởi kiện ra tòa hành chính nếu thấy quyết định như thế là chưa hợp lý đối với doanh nghiệp. Đấy là cơ hội cho Nguyễn Kim có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Với một số tiền truy thu thuế lớn như thế thì đây cũng là kinh nghiệm cũng như là bài học cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn cần phải có sự phối hợp với cơ quan thuế tốt hơn.
Ví dụ như thay vì để rất nhiều năm thì hằng năm, doanh nghiệp nên phối hợp với thanh tra thuế để nếu doanh nghiệp có vấn đề gì thiếu sót, sai về thuế thì cơ quan thuế có thể chỉ ra và hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục. Trong trường hợp vi phạm và bị xử phạt thì sẽ chịu phạt với số tiền nhỏ hơn, chứ không thể bị phạt với số tiền lớn một lúc.
“Cơ quan thuế cũng cần hợp tác, hướng dẫn doanh nghiệp. Ví dụ khi cơ quan thuế phát hiện ra những dấu hiệu có tính sai phạm của doanh nghiệp thì cơ quan thuế nên có cảnh báo với doanh nghiệp và lập đoàn thanh tra ngay tại thời điểm đó, hay định kỳ 6 tháng đến 1 năm thay vì để rất nhiều năm như thế. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp nhìn nhận ra vấn đề của mình và có điều chỉnh kịp thời để tránh trường hợp bị phạt và truy thu thuế nhiều như trường hợp của Nguyễn Kim,” ông Hà nêu quan điểm.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, các doanh nghiệp hiện nay tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc nộp thuế. Cơ quan thuế thanh, kiểm tra trên cơ sở phân tích rủi ro, nếu đơn vị nào có rủi ro sẽ tập trung vào thanh kiểm tra và quyết tâm thực hiện nhằm đảm bảo sự công bằng và chống thất thu ngân sách. Quan điểm là mọi việc phải làm theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian tới, ngành thuế tiếp tục tăng cường công tác quản lý, trên cơ sở phân tích rủi ro phải tập trung vào những doanh nghiệp có rủi ro cao.
Theo Tổng cục Thuế, năm 2018, Tổng cục Thuế giao kế hoạch cho các cục thuế đảm bảo tỷ lệ thanh tra, kiểm tra tối thiểu đạt 18,5% số doanh nghiệp đang quản lý trong toàn ngành; đảm bảo 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện đúng quy trình, cập nhật kịp thời tiến độ thực hiện công tác thanh tra kiểm tra vào ứng dụng TTR./.
Nguồn: http://kinhtedothi.vn/vi-sao-nguyen-kim-bi-truy-thu-thue-va-xu-phat-gan-150-ty-dong-320569.html