Việc mua bán và sáp nhập Ngân hàng M&A tại Việt Nam đem lại lợi ích gì?

0
998

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời phỏng vấn về Việc mua bán và sáp nhập Ngân hàng M&A tại Việt Nam đem lại lợi ích gì? trên báo VITV. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi: Theo Ông, việc mua bán và sáp nhập Ngân hàng M&A tại Việt Nam đem lại lợi ích gì và trong quá trình thực hiện còn gặp những khó khăn nào?

Trả lời:

Cũng như những doanh nghiệp khác, giao dịch M&A đem lại cho ngân hàng rất nhiều lợi ích:

Lợi ích thứ nhất phải kể đến là M&A góp phần cải thiện tình hình tài chính của ngân hàng. Sau M&A, ngân hàng sẽ được tăng thêm nguồn vốn sử dụng và khả năng tiếp cận nguồn vốn, chia sẻ rủi ro, tăng cường tính minh bạch về tài chính. Có thể thấy rằng, một trong những yêu cầu đặt ra cho việc đổi mới tái cơ cấu ngành Ngân hàng Việt Nam, đó chính là nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngân hàng thông qua việc gia tăng nguồn vốn điều lệ của các ngân hàng. Do đó, M&A trong lĩnh vực tài chính ngân hàng diễn ra khá sôi động và đã đáp ứng được nhu cầu cải thiện nguồn vốn kinh doanh trong lĩnh vực này.

Một lợi ích khác giao dịch M&A đem đến cho ngân hàng là giúp các ngân hàng đạt được hiệu quả kinh doanh dựa vào quy mô khi ngân hàng có thêm công nghệ mới, có thêm nguồn nhân lực từ giao dịch hay có khả năng mở rộng phạm vi hoạt động, mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch, các dự án…

Hơn nữa, quy mô lớn cũng giúp giảm thiểu chi phí trong kinh doanh như giảm thiểu sự trùng lắp trong mạng lưới phân phối, tiết kiệm chi phí hoạt động và chi phí quản lý… Sau khi thực hiện M&A, hai bên trong giao dịch cũng có thể khai thác được những lợi thế lẫn nhau, tăng thị phần, tận dụng quan hệ khách hàng, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới.

Về khó khăn trong quá trình thực hiện các giao dịch M&A:

Khó khăn thứ nhất mà các ngân hàng gặp phải là việc tìm kiếm đối tác. Mặc dù Chính phủ khuyến khích các ngân hàng vừa và nhỏ tiến hành M&A, nhưng không phải ngân hàng nào cũng “may mắn” tìm kiếm được đối tác phù hợp để sáp nhập. Thực tế xảy ra trường hợp nhiều ngân hàng đã không thiện chí khi cung cấp thông tin tài chính cho đối tác. Theo đó, vì lợi ích của cổ đông ngân hàng mình mà các ngân hàng đôi khi đã cung cấp thông tin tài chính (nợ xấu thực tế) không chính xác cho đối tác. Điều này đôi khi làm cản trở quá trình thực hiện giao dịch và gây mất lòng tin với những đối tác. Khó khăn thứ hai liên quan đến việc thực hiện các giao dịch M&A ngành ngân hàng là thiếu hành lang pháp lý điều chỉnh các giao dịch M&A.

Bên cạnh đó, sự xáo trộn, những bất ổn về nhân sự trước, trong và sau quá trình mua bán sáp nhập cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.