Việc thu gom mật khẩu wifi của người dùng để chia sẻ, mà chưa nhận được sự cho phép của chủ sở hữu, có vi phạm luật pháp hay không?

0
363

ICTnews – Hàng chục nghìn tài khoản Wi-Fi tại Hà Nội và TP. HCM đang bị chia sẻ, nhằm ngoài ý muốn của nhiều chủ nhân, nhưng việc này đang có nguy cơ nằm ngoài phạm vi xử lý của các cơ quan quản lý.

Việt Nam không phải là một quốc gia có đường truyền Internet mạnh, nhưng dường như lại là một nơi có thể kết nối mạng đơn giản và rẻ tiền nhất thế giới.

Mua một chiếc SIM 60.000 đồng và trả thêm gói cước 70.000 đồng/tháng là có thể dùng 3G khá thoải mái, khi dùng hết dung lượng cao, lại có thể xài Wi-Fi “chùa” thông qua những ứng dụng như Wi-Fi “chùa”, có thể tải dễ dàng từ App Store hay Google Play.

Tại Hà Nội, ở nhiều nơi chỉ trong vòng 1 – 2 giờ đây có thể bắt được 2 – 3 tín hiệu Wi-Fi có chia sẻ mật khẩu (password), ứng dụng này hoạt động với nguyên tắc, khi người sử dụng biết mật khẩu Wi-Fi tại một điểm phát wifi nào đó, họ sẽ bấm vào nút “share – chia sẻ mật khẩu” trên ứng dụng, ứng dụng sẽ lưu mật khẩu này lại và định vị vị trí thông qua GPS và Internet, khi người sử dụng đứng ở khu vực được chia sẻ Wi-Fi, họ dùng các thiết bị của mình để quét tín hiệu mạng tìm kiếm mạng Wi-Fi được chia sẻ và lấy mật khẩu sử dụng.

Ứng dụng này thậm chí hiện cho phép hoạt động trong tình trạng không kết nối mạng (offline), dựa trên việc tổng hợp và lưu dữ liệu trên các thiết bị đã sử dụng.

Có rất nhiều người cảm nhận, đây là một dịch vụ đem lại nhiều lợi ích, nhưng điều này chưa hẳn đúng.

 

Wi-Fi-chua-01
Sử dụng các kết nối Wi-Fi công cộng, dễ gây ra những nguy cơ về an ninh mạng – Ảnh: Thành Lương

Chị Hoàng Dương, chủ của hệ thống The Coffee Inn (số 3 Phan Chu Trinh – Hà Nội) nói, nhiều khi chị cảm thấy việc Wi-Fi bị chia sẻ rất phiền phức, có quá nhiều người vào cùng một lúc thì mạng sẽ bị nghẽn, khách hàng của quán không truy cập được, nhưng cũng chỉ còn cách thay mật khẩu, không ngăn được việc chia sẻ Wi-Fi trong những lần kế tiếp.

Có một phương pháp khác, là quản trị Wi-Fi hệ thống như các cửa hàng của Starbucks, mỗi hoá đơn sẽ được gửi một mã truy cập vào hệ thống wifi, nhưng điều này làm chi phí đội lên và không phải cửa hàng nào cũng sẵn sàng làm điều đó, nhất là những cửa hàng nhỏ.

Wi-Fi-chua-02
Giao diện hoạt động của ứng dụng Wi-Fi “chùa” – Ảnh chụp màn hình

Nguyễn Lương Bằng, nhà phát triển của Wi-Fi “chùa” cho biết: “Đây là ứng dụng chia sẻ cộng đồng, các thông tin được chia sẻ trên ứng dụng đều do người dùng gửi lên, giống như mô hình của Facebook, YouTube. Ứng dụng không tự thu thập bất kì thông tin gì của người dùng. Bên cạnh đó, đội ngũ phát triển cũng đang phát triển thêm tính năng “report” để xây dựng cộng đồng ngày một tốt hơn nữa. Cho đến nay, ứng dụng mặc dù đã giúp ích dc cho nhiều người sử dụng, tuy nhiên cũng còn khá nhiều mặt hạn chế cần cải thiện hơn. Do lực lượng còn rất nhỏ nên chúng tôi cũng đang cố gắng hết sức của mình”.

Tuy nhiên, trên ứng dụng Wi-Fi “chùa”, không có dòng cảnh báo nào đối với người sử dụng, về những nguy cơ an ninh khi truy cập Wi-Fi qua các địa chỉ không thể kiểm soát, anh Nguyễn Đức Luân, một chuyên gia an ninh mạng chia sẻ: “Các điểm Wi-Fi công cộng thường có những lỗ hổng an ninh rất cao, người dùng có thể bị đánh cắp mật khẩu, thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng… qua những kênh kết nối này”.

Wi-Fi-chua-02
Luật sư cho rằng, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu hiện tượng về “Wi-Fi chùa”” và đưa ra các quyết định chính xác.

Chia sẻ dưới góc độ luật pháp, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Giám đốc Công ty luật SB Law – 85 Vũ Trọng Phụng – Hà Nội) nêu quan điểm:

Qua nghiên cứu đối với ứng dụng này tôi nhận thấy, những người tạo ra ứng dụng đã rất khôn khéo, họ không tiến hành đánh cắp mật khẩu mà tạo ra một công cụ để giúp người dùng chia sẻ mật khẩu và tạo ra một cộng đồng sử dụng ứng dụng, sau đó họ có thể bán quảng cáo trên ứng dụng. Tuy nhiên, hành vi này lại có thể tạo ra nhiều thiệt hại cho chủ mạng Wi-Fi bởi mục tiêu của các mạng Wi-Fi này là phục vụ cho những khách hàng sử dụng một số dịch vụ, ví dụ quán cafe cung cấp Wi-Fi cho khách hàng, việc chia sẻ mật khẩu dẫn tới làm chậm đường truyền và ảnh hưởng tới thiết bị phát Wi-Fi, gây ảnh hưởng tới những người dùng khác. Bên cạnh đó, việc chia sẻ mật khẩu Wi-Fi cho nhiều người khi họ không có mặt ở địa điểm đó mà chỉ ở gần khu vực có Wi-Fi cũng gây ra sự mất an toàn về mặt thông tin, ảnh hưởng tới tính bảo mật của những người dùng khác.
Thật ra, hành vi này trong các quy định của luật pháp Việt Nam chưa có quy định rõ ràng là cấm hay không cấm, hợp pháp hay bất hợp pháp.
Đây là một hiện tượng mới vì vậy rất cần các cơ quan chức năng có thể xem xét và đưa ra ý kiến chính thức về vấn đề này. Nhưng khi nghiên cứu các quy định có liên quan, cụ thể là Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có quy định:
“… Điều 73. Vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng trái phép thông tin trên mạng
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Trộm cắp, chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa hoặc tiết lộ mật khẩu, mã truy cập máy tính, chương trình máy tính của người khác;
b) Trộm cắp, chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, sử dụng hoặc tiết lộ tài khoản, mật khẩu, quyền truy cập vào ứng dụng, dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng….”
Theo quan điểm của cá nhân tôi, hành vi của người dùng là chia sẻ mật khẩu Wi-Fi khi chưa được phép của chủ sở hữu cũng có thể coi là hành vi tiết lộ mật khẩu, mã truy cập máy tính theo quy định tại điểm a và điểm b điều 73 nêu trên và cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền xử phạt vi phạm.
Hành vi tạo ra ứng dụng cũng là hành vi vi phạm vì đã trợ giúp cho người dùng vi phạm.

 Nguồn: http://ictnews.vn/internet/bat-luc-vi-wi-fi-bi-dung-chua-vo-toi-va-127719.ict