Việc xem bói online trên không gian mạng có bị xử phạt không?

0
761

Thời gian gần đây, trên nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều video livestream xem bói thu hút hàng trăm triệu view. Vậy, dưới góc độ pháp lý, livestream xem bói trên nền tảng các trang mạng có vi phạm pháp luật không? Liên quan đến vấn đề này Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp như sau. Dưới đây là nội dung chi tiết: 

Câu hỏi: Việc xem bói online trên không gian mạng có bị xử phạt không? Mức phạt như thế nào ạ? Theo Luật sư chúng ta cần làm gì để ngăn chặn “tệ nạn” thế hệ mới này ạ?

Trả lời:

Cần khẳng định rằng, pháp luật ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân, đây là một trong những quyền cơ bản được nêu rõ tại Hiến pháp. Mặc dù vậy, pháp luật nghiêm cấm hành vi mê tín, dị đoan thông qua việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để xâm hại đến chế độ chính trị, an ninh quốc phòng; đạo đức xã hội, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản của người khác và có hành vi trục lợi bất chính.

Khi việc xem bói biến tướng trở thành hành vi mê tín dị đoan với những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, thì hành vi mê tín dị đoan này được xem là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính, xử lý hình sự. Cụ thể:

Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính:

Theo Khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo như sau:

7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức lễ hội theo quy định phải đăng ký mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa;

c) Thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam;

d) Không tạm dừng tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

Như vậy, hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Thứ hai, xử lý hình sự:

Trong trường hợp hành vi bói toán gây ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc người đã từng bị xử phạt hành chính nhưng vẫn vi phạm tiếp thì có thể bị xử lý hình sự như sau:

Điều 320 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về Tội hành nghề mê tín, dị đoan với khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Thực tế cho thấy, một số livestream hiện nay trên mạng xã hội của thầy bói, cô đồng mang tính chất của hoạt động mê tín dị đoan. Bởi lẽ, những đối tượng này thường lợi dụng sự mệ tín, cả tin của những người dùng mạng xã hội để thu tiền, trục lợi bất chính.

Chúng ta cần làm gì để ngăn chặn “tệ nạn” thế hệ mới này?

Trên thực tế, nhận thức chưa đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo và niềm tin mê muội vào “thế lực siêu nhiên” là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mê tín dị đoan. Lợi dụng xu hướng này, mà một số đối tượng đã thực hiện hành vi mê tín dị đoan trái pháp luật. Với sự phát triển internet hiện nay, việc sinh hoạt tôn giáo trên không gian mạng cũngdần phổ biến, trước những vấn đề trên người dân cần hết sức cảnh giác và lưu ý những nội dung như sau:

Thứ nhất, Con người sống không thể không có niềm tin, nhưng niềm tin đó phải được xây dựng trên cơ sở nhận thức đúng đắn, được xử lý bằng tư duy khoa học, có tác động tích cực đến sự phát triển của cá nhân, để qua đó cả xã hội hướng đến điều thiện, điều lành. Từ đó có thể thấy cần có cách hiểu đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo qua việc đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về hệ lụy nguy hiểm của mê tín dị đoan, giúp mọi người hiểu rõ để từ đó xa lánh, dần loại bỏ khỏi đời sống xã hội. Cùng với việc vạch trần thủ đoạn lừa bịp của các đối tượng “buôn thần, bán thánh”, thầy tướng, thầy bói, cô đồng, … cần phải xử lý nghiêm hành vi mê tín dị đoan hay lợi dụng mê tín dị đoan gây tác động xấu đến xã hội.

Thứ hai, cần sự phối hợp giữa ý thức trách nhiệm của mỗi người dân với vai trò của cơ quan chức năng. Mỗi người dân cũng cần tự nâng cao nhận thức, tránh bị đối tượng xấu lừa đảo. Quan trọng hơn là cần nhận thức rõ rằng mê tín dị đoan là hiện tượng tiêu cực, cần phải bài trừ khỏi sinh hoạt xã hội. Ðó chính là cơ sở lý giải tại sao luật pháp Việt Nam tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân nhưng kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan.

Thứ ba, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần kết hợp với các nhà mạng và nhà cung cấp của các nền tảng như: facebook, zalo, tiktok… chặn những tài khoản và lọc những video liên quan đến việc xem bói hay thực hiện những hoạt động mê tính dị đoan để từ đó quản lý và kiểm soát tốt hơn hoạt động này trên không gian mạng.