Vụ thuê người chặt tay, chân: Khi tiền được đặt trên tính mạng và sức khỏe

0
421

Ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà về hành vi trục lợi bảo hiểm đăng trên báo An ninh thủ đô điện tử. Mời Quý vị xem nội dung tại đây:

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, để được hưởng số tiền bảo hiểm lên tới hàng tỷ đồng, L.T.N (ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã sẵn sàng thuê người chặt chân, chặt tay mình, dựng hiện trường giả vụ tai nạn đường sắt. Sự việc đã khiến không ít người rùng mình, ghê sợ.

Phân tích về trách nhiệm pháp lý của L.T. N trong vụ việc hi hữu này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty Luật SBLAW cho rằng, hành vi chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Về khách quan, phải có hành vi dùng thủ đoạn gian dối (đưa ra thông tin giả, không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông giả được dựng lên
Hiện trường vụ tai nạn giao thông giả được dựng lên

Về mặt chủ quan, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Trong trường hợp trên, đối tượng mặc dù có thủ đoạn gian dối bằng cách thuê người chặt tay rồi dựng hiện trường vụ tai nạn giả hòng chiếm đoạt tiền bảo hiểm nhưng do hành vi này nhanh chóng bị cơ quan công an phát hiện, làm rõ, doanh nghiệp bảo hiểm chưa bị thiệt hại về vật chất, hành vi phạm tội chưa hoàn thành nên đối tượng không bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, để xử lý nghiêm đối tượng có hành vi trục lợi, gian lận hòng chiếm đoạt tiền bảo hiểm, BLHS 2015 đã bổ sung tội “Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” (Điều 213).

antd-chat-tay-chan2

Theo đó, người nào thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm… chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20 triệu-dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 50 triệu- dưới 200 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm  từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Hiện BLHS 2015 đang bị lùi hiệu lực thi hành nên đối tượng cũng không bị khởi tố về tội danh này.

Tuy vậy, cơ quan chức năng có thể bị xử phạt hành chính đối với đối tượng trên. Điều 14 Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm quy định “phạt tiền từ 90-100 triệu đồng đối với hành vi gian dối, giả mạo tài liệu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm đã nhận tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm”. Bên cạnh đó, có thể xử phạt hành chính đối với L.T.N về hành vi “báo tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” theo Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ.

Ngoài ra, căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm đã ký có thể xác định được quyền và trách nhiệm pháp lý của 2 bên nếu văn bản này có quy định về trường hợp người mua bảo hiểm dùng thủ đoạn gian dối hòng trục lợi tiền bảo hiểm.

Theo Anninhthudo.vn