Vướng mắc của việc đấu giá biển số ô tô

0
421

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW có bài viết phân tích về Vướng mắc của việc đấu giá biển số ô tô đăng trên An ninh thủ đô, mời các bạn đón đọc tại đây:

Chủ trương đấu giá biển số xe, hiện nay đa số ý kiến khá đồng thuận, chỉ còn vướng mắc pháp lý ở chỗ nếu như vậy thì biển số xe phải coi là tài sản, như sim điện thoại.

Mua điện thoại khác thì vẫn giữ số cũ. Nếu thực hiện được việc đấu giá thì sẽ mang lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách, bởi nhiều biển đẹp có thể thu được 700 – 800 triệu đồng, đồng thời lại tránh được những chuyện tiêu cực.

Luật sư có thể phân tích về các quy định pháp lý liên quan đến vấn đề này, vướng mắc nếu có và cách khắc phục?

Trả lời của luật sư:

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Biển số xe là tấm biển làm bằng kim loại, hình chữ nhật hoặc hơi vuông, trên đó có in ấn chữ, số theo quy định và gắn vào xe cơ giới nên thực chất biển số xe chính là vật và hoàn toàn có thể được coi là tài sản.

Tuy nhiên, do biển số xe chỉ do cơ quan công an cấp và mỗi biển số xe gắn liền với một chiếc xe cụ thể nên từ trước đến nay không thể mua bán riêng biển số xe nên càng không thể bán đấu giá. Trong thực tế, việc mua bán xe đã bao gồm chuyển nhượng biển số xe nhưng cũng hiếm khi bên bán định giá biển số xe vào giá bán.

Vướng mắc hiện nay trong việc bán biển số xe là chưa có khung pháp lý cụ thể đối với việc bán đấu giá biển số xe chứ không phải vì không thể coi biển số xe là tài sản. Theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2017) thì tài sản đấu giá được liệt kê tại Điều 4 của Luật này, tuy nhiên để xác định biển số xe là loại tài sản cụ thề nào trong số các tài sản đấu giá là việc không dễ dàng. Do đó, để có thể đấu gia biển số xe thì nên có khung pháp lý riêng, trên cơ sở phù hợp với Luật Đấu giá tài sản.