Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW trao đổi với phóng viên Việt Dương, kênh VITV về vấn đề xây dựng mô hình quỹ hưu trí tự nguyện.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn này:
Phóng viên hỏi: Chính phủ đang xem xét việc hình thành mô hình quỹ hưu trí tự nguyện. Theo ông, liệu mô hình này có khả thi hay không? Những lợi ích từ mô hình này là gì?
Luật sư tư vấn: Đúng vậy, hiện nay đã có đến bản dự thảo thứ 6 của Nghị định quy định về QUỸ HƯU TRÍ TỰ NGUYỆN. Nghị định này sẽ quy định về việc thành lập, hoạt động và quản lý, giám sát QUỸ HƯU TRÍ TỰ NGUYỆN trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Trước đó, từ ngày 20/8/2013, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 115/2013/TT-BTC quy định về Hướng dẫn Bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện.
Theo đó, QUỸ HƯU TRÍ TỰ NGUYỆN dự kiến sẽ được pháp luật quy định là CHƯƠNG TRÌNH ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH DÀI HẠN DO DOANH NGHIỆP QUẢN LÝ QUỸ HƯU TRÍ CUNG CẤP CHO CÁC THÀNH VIÊN THAM GIA QUỸ ĐỂ BỔ SUNG THU NHẬP CHO CÁC THÀNH VIÊN THAM GIA QUỸ KHI ĐẾN TUỔI NGHỈ HƯU. Trong đó, Doanh nghiệp quản lý quỹ được giải thích là Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện, hay nói cách khác, là CÔNG TY BẢO HIỂM. Còn, Thành viên tham gia Quỹ được giải thích là Người có tài khoản hưu trí cá nhân tại quỹ hưu trí, gồm (1) cá nhân tham gia quỹ hưu trí thông qua doanh nghiệp sử dụng lao động và (2) cá nhân trực tiếp tham gia quỹ hưu trí. Như vậy, 1 người lao động có thể tự mình mua bảo hiểm hưu trí, hoặc người lao động đó được công ty nơi họ làm việc mua cho họ 1 tài khoản bảo hiểm hưu trí. Hiểu đơn giản thì đây là một hình thức bảo hiểm nhằm mục đích tăng thu nhập cho các cá nhân khi đến tuổi nghỉ hưu – tức là không còn trong tuổi lao động, nhưng vẫn có nguồn thu nhập để đảm bảo cuộc sống, mà chủ thể thực hiện việc bán loại bảo hiểm hưu trí này chính là các CÔNG TY BẢO HIỂM.
LỢI ÍCH từ mô hình này thì thấy rõ luôn là ngoài khoản lương hưu mà Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc của nhà nước chi trả hàng tháng, thì các cá nhân khi hết tuổi lao động, sẽ có thêm 1 khoản tiền hưu trí nữa do các công ty bảo hiểm chi trả. Như vậy, cuộc sống của các cá nhân này sẽ bớt nặng nề hơn, và không phải trông chờ hay phụ thuộc vào sự phụ giúp của con cháu. Việc tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện – nghĩa là không bắt buộc này sẽ giúp cho các cá nhân người lao động chuẩn bị tốt nhất cho tương lai của mình khi về già.
ĐÁNH GIÁ VỀ TÍNH KHẢ THI của Mô hình này:
Cá nhân tôi đã mua bảo hiểm nhân thọ tại các công ty bảo hiểm mà tôi cho là uy tín và tin tưởng được, thì tôi đánh giá mô hình này là khả thi, vì cũng không có sự lựa chọn nào khác. Khi mà Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới, thì Việt Nam cũng không thể đi ngược trào lưu và sự phát triển của các nước bạn. Ngành bảo hiểm tự nguyện đã phát triển từ rất lâu đời ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước giàu, phát triển. Chỉ là mới mẻ ở Việt Nam.
Mô hình này đi theo hướng Nhà nước cho phép và tạo hành lang để các công ty bảo hiểm đưa ra thị trường bảo hiểm sản phẩm bảo hiểm hưu trí. Như vậy, mỗi tháng người lao động bỏ ra thêm 1 khoản tiền – có thể khoản này sẽ được người sử dụng lao động chi trả thẳng cho công ty bảo hiểm, để khi về già, người lao động sẽ có thêm lương hưu, bên cạnh tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc chi trả – thường là thấp, vì khi còn đi làm, đa phần các doanh nghiệp cũng đóng ở mức thấp cho người lao động.
Nên xét về mặt mô hình, việc nhà nước trao quyền quản lý Quỹ bảo hiểm hưu trí cho từng công ty bảo hiểm là khả thi.
Có điều, các cơ quan chức năng cần phải hết sức chặt chẽ trong việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các công ty bảo hiểm để họ thực hiện nghiệp vụ kinh doanh này của họ.
Còn về phía người tham gia, thì kinh nghiệm của tôi là phải tìm hiểu kỹ về uy tín, danh tiếng của công ty bảo hiểm mà mình dự kiến sẽ tham gia chương trình này.