Nhận lời mời của ban biên tập kênh VTC1, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn về vấn đề xử lý dự án treo hiện nay.
Câu hỏi: Về việc thu hồi các dự án treo, quy định của pháp luật hiện nay như thế nào?
TRẢ LỜI:
Gọi là dự án treo là những những dự án đã được cấp phép đầy đủ, nhưng chủ đầu tư không tiến hành hoạt động xây dựng trên thực tế, hoặc có tiến hành thì cũng tiến hành kiểu hình thức, làm lấy lệ rồi để đấy, trôi đi quá 3 năm hoặc quá tiến độ dự kiến mà vẫn chưa hoàn thành.
Với các quy định hiện hành của pháp luật hiện nay, và thể hiện ngay trong các giấy phép, cụ thể là giấy chứng nhận đầu tư, cũng như các bản cam kết về tiến độ của dự án thì tiến độ xây dựng, thực hiện, hoàn thành dự án đã được ghi nhận chính thức bằng văn bản.
Vậy nên, khi chủ đầu tư vi phạm tiến độ mà không phải trong trường hợp bất khả kháng thì chính quyền sẽ tiến hành thu hồi dự án.
Cụ thể là sẽ thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và hồ sơ pháp lý đã cấp cho dự án, thu hồi đất đã được giao, hoặc được cho thuê với lý do là không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa, thậm chí đã được gia hạn mà vẫn vượt quá cả thời hạn gia hạn.
Việc thực hiện thu hồi đất do vi phạm về tiến độ sử dụng phải tuân theo trình tự, thủ tục thu hồi đất do vip phạm pháp luật được quy định tại Luật đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014 của Chính phủ.
Thời gian vừa qua, rất nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành thu hồi hàng loạt dự án treo do vi phạm tiến độ thực hiện dự án.
Câu hỏi: Người dân có quyền khiếu nại các dự án quy hoạch treo hay không?
TRẢ LỜI:
Câu trả lời là có.
Và dưới đây là căn cứ pháp lý:
Khoản 2 và Khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai năm 2013 quy định như sau:
– Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
– Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch, được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm. Nếu muốn cải tạo nhà ở, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
– Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều hỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
– Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất mà không điều chỉnh, hủy bỏ, hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế quyền.
Như vậy, trường hợp người sử dụng đất thấy mình rơi vào trường hợp nào mà bị chính quyền cản trở thực hiện quyền của người sử dụng đất thì có quyền khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền trước đây đã phê duyệt quy hoạch để yêu cầu họ có phương án giải quyết hợp lý nhất. Sau khi có khiếu nại mà không có sự thay đổi từ cơ quan có thẩm quyền thì người sử dụng đất không bị hạn chế quyền theo quy định tại Khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai năm 2013.