Xử lý hành vi vi phạm pháp luật thuế

0
667

Sơ lược về một số vụ việc điển hình

Tại phiên tòa sơ thẩm tháng /5/2018, TAND huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã tuyên phạt bị cáo Chu Văn Phú – Giám đốc Công ty CP Vận tải Long Phượng 15 tháng tù về tội trốn thuế theo khoản 2, Điều 161 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, Công ty Long Phượng được thành lập vào tháng 9/2007. Công ty do Chu Văn Phú (tên gọi khác Chu Văn Long, sinh năm 1977) làm giám đốc. Cụ thể, Công ty Long Phượng đã mở một số tuyến vận chuyển hành khách liên tỉnh cố định bằng xe ô tô từ bến xe Thái Nguyên đến một số tỉnh thành khác và ngược lại.

Năm 2015, Cục Thuế Thái Nguyên phát hiện Công ty Long Phượng có dấu hiệu không kê khai đầy đủ với cơ quan thuế về số lượng thực tế doanh thu của những chuyến xe ô tô đã vận chuyển hành khách từ bến xe (BX) Thái Nguyên đến BX Miền Đông – TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, cũng như từ BX Thái Nguyên đến BX Đức Long – Gia Lai và ngược lại.

Link tham khảo: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2018-09-21/tuyen-y-an-so-tham-toi-tron-thue-doi-voi-bi-cao-chu-van-phu-62236.aspx

Tháng 9/2018, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phát hiện hàng loạt doanh nghiệp sai phạm nghiêm trọng về việc kê khai, quyết toán thuế tại Cụm công nghiệp (CNN) Phú Lâm trên địa bàn huyện Tiên Du. Tổng số tiền kê khai sai, quyết toán sai là hơn 2,5 tỷ đồng, điều chỉnh giảm lỗ hơn 41 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT hơn 1,6 tỷ đồng. Một giám đốc doanh nghiệp đã bị khởi tố.

Link bài tham khảo: https://dantri.com.vn/ban-doc/khoi-to-mot-giam-doc-doanh-nghiep-dung-thu-doan-tron-thue-tai-bac-ninh-20180927195738755.htm

Phóng viên Phaply phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thanh Hà một số vấn đề như sau:

1, Thưa Luật sư, những quy định pháp luật về tội trốn thuế hiện nay ntn?

Trả lời:

Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà hành vi này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính:

Hành vi trốn thuế sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC như sau:

“Điều 13. Xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế

Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của pháp luật bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận như sau:

  1. Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu (trừ các trường hợp bị xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư này) hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 32 Luật quản lý thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Điều 33 của Luật quản lý thuế, trừ trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 9 Thông tư này và Khoản 9 Điều này.

b) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, chứng từ; hóa đơn không có giá trị sử dụng để kê khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

c) Lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa hoặc giảm số lượng, giá trị vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm.

d) Lập hóa đơn sai về số lượng, giá trị hàng hoá, dịch vụ bán ra làm căn cứ kê khai nộp thuế thấp hơn thực tế.

đ) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; không kê khai, kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm.

e) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế.

g) Sử dụng hàng hóa được miễn thuế, xét miễn thuế (bao gồm cả không chịu thuế) không đúng với mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế.

h) Sửa chữa, tẩy xoá chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

i) Hủy bỏ chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

k) Sử dụng hóa đơn, chứng từ, tài liệu không hợp pháp trong các trường hợp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn; khai sai căn cứ tính thuế phát sinh số thuế trốn, số thuế gian lận.

l) Người nộp thuế đang trong thời gian xin tạm ngừng kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh.

m) Hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

  1. Phạt tiền 1,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần đầu, có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ hai, có một tình tiết giảm nhẹ.
  2. Phạt tiền 2 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba và có một tình tiết giảm nhẹ.
  3. Phạt tiền 2,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có một tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ ba mà không có tình tiết giảm nhẹ.
  4. Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ ba có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm từ lần thứ tư trở đi.
  5. Các hành vi trốn thuế, gian lận thuế bị xử phạt quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước.

Số tiền thuế trốn, gian lận theo quy định tại Điều này là số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật mà người nộp thuế bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xác định trong biên bản, kết luận kiểm tra, thanh tra.

  1. Các hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k, Khoản 1 Điều này bị phát hiện trong thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế hoặc bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, nhưng không làm giảm số thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn, không làm tăng số thuế miễn, giảm và không thuộc trường hợp bị xử phạt đối với hành vi trốn thuế thì bị xử phạt về hành vi vi phạm về thủ tục thuế theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 hoặc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.
  2. Trường hợp người nộp thuế đang thuộc diện được miễn thuế, được hoàn thuế theo quy định của pháp luật, kê khai không đúng căn cứ xác định số thuế được miễn, số thuế được hoàn nhưng không làm thiệt hại đến số thuế của ngân sách nhà nước thì không bị xử phạt đối với hành vi trốn thuế mà xử phạt về hành vi vi phạm về thủ tục thuế quy định ở Điều 8 Thông tư này với mức phạt cao nhất.
  3. Trường hợp, người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, đã tự giác nộp đầy đủ số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế thì bị xử phạt về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế quy định Khoản 6, Điều 9 Thông tư này. Trường hợp, người nộp thuế đã nộp hồ sơ khai thuế nhưng khai sai, gian lận thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, gian lận, trốn thuế thì ngoài việc bị xử phạt về thủ tục thuế còn bị xử phạt về khai thiếu thuế hoặc trốn thuế theo quy định tại Điều 12, Điều 13 Thông tư này.
  4. Trường hợp người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai đang trong thời hạn hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bị phát hiện có hành vi vi phạm như khai sai làm tăng khống chi phí để tăng số lỗ, để giảm lãi; giảm chi phí để tăng lãi và xác định không đúng các điều kiện để được hưởng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thì:

a) Nếu vi phạm được kiểm tra phát hiện ngay trong thời gian đang được ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thì không xử phạt về hành vi trốn thuế mà thực hiện xử phạt vi phạm về thủ tục thuế hoặc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán;

b) Nếu vi phạm chưa được kiểm tra phát hiện mà cá nhân, tổ chức không tự điều chỉnh hậu quả làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp của năm tiếp sau khi hết thời hạn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thì bị xử phạt về hành vi trốn thuế.”

Như vậy, trong xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thế thì pháp luật không xem xét đến số tiền trốn thuế, theo đó, chỉ cần có hành vi trốn thuế thì chủ thể đó sẽ bị xử phạt hành chính rồi, còn số tiền trốn thuế nhiều hay ít chỉ quyết định việc chủ thể đó sẽ bị phạt tiền nhiều hay ít mà thôi.

Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự:

·               Đối với cá nhân:

Theo quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sử đổi, bổ sung năm 2017) về Tội trốn thuế thì 9 hành vi trốn thuế sau đây sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

 Vi phạm về hồ sơ thuế:

+ Không nộp hồ sơ đăng ký thuế

+ không nộp hồ sơ khai thuế

+ Nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật

 Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp

– Về các hóa đơn bán hàng:

+ Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ

+ Ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán

 Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp khi hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế nhằm mục đích:

+ Giảm số tiền thuế phải nộp

+ Tăng số tiền thuế được miễn, được giảm, được khấu trừ hoặc được hoàn

 Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn

 Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, không khai bổ sung hồ sơ khai thuế khi hàng hóa đã được thông quan

– Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

– Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa

– Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế

Mức phạt tù cao nhất đối với cá nhân phạm tội trốn thuế có thể lên đến 7 năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền cao nhất là 4.500.000.000 đồng.

·               Đối với pháp nhân:

Đối với pháp nhân, nếu phạm tội Trốn thuế thì có thể bị phạt tiền cao nhất đến 10.000.000.000 đồng.

Ngoài ra, pháp nhân còn có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu hành vi trốn thuế đó:

– Gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người,

– Gây sự cố môi trường

– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

2, Xung quanh lĩnh vực: kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng bất động sản, đất đai và chuyển nhượng và ở những lĩnh vực khác, như thế nào được coi là trốn thuế, thưa Luật sư?

Trả lời:

Trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, pháp nhân khi cố ý không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, đa số hợp đồng mua bán nhà, đất đều khai giá thấp hơn nhiều so với giá giao dịch thực tế. Ví dụ: miếng đất đó được hai bên mua bán có giá 3 tỉ đồng nhưng giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng ra công chứng chỉ là 1 tỉ đồng.

Căn cứ vào thộng tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn dẫn Luật thuế Thu nhập cá nhân, đối với các giao dịch chuyển nhượng bất động sản (BĐS), người bán phải nộp thuế thu nhập cá nhân là 2% tính trên giá trị chuyển nhượng ghi trên hợp đồng công chứng.

Trường hợp giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì sẽ căn cứ theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng để nộp thuế.

Phía người mua thì đóng lệ phí trước bạ nhà, đất là 0,5% tính trên bảng giá đất của UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm nộp lệ phí trước bạ.

Như vậy, trong việc khai thấp giá mua bán so với thực tế chuyển nhượng thì người bán thường được lợi hơn. Do vậy khi giao kết hợp đồng mua bán người bán thường thường thương lượng để có được hợp đồng công chứng thấp hơn giá mua bán thực tế để nộp thuế thấp.

Trong mua bán nhà, đất, hành vi khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp, nếu bị phát hiện thì thường được xác định là hành vi vi phạm hành chính do hợp đồng mua bán có công chứng là chứng từ hợp pháp có hiệu lực ngay từ thời điểm công chứng viên công chứng hợp đồng và đây là căn cứ để tính thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.

3, Đâu là giải pháp phòng tránh tội trốn thuế, thưa ông?

Trả lời:

Trước tiên là mỗi người dân tự ý thức chấp hành quy định của pháp luật về nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Đây là cách tốt nhất để loại bỏ tình trạng trốn thuế hiện nay.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế một cách đồng bộ, toàn diện. Theo đó, đối tượng thanh tra, kiểm tra tập trung vào các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh thương mại điện tử; …

Thứ ba, tiếp tục phối hợp với cơ quan Công an, và các cơ quan liên quan để nắm bắt, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế; phối hợp kiểm tra, xác minh, cung cấp hồ sơ, thông tin nhanh chóng, kịp thời, nâng cao tính răn đe các đối tượng nộp thuế có hành vi trốn thuế, …

Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng ngừa gian lận thuế.