Câu hỏi: Vì cần tiền để trả nợ, tôi có cầm cố chiếc xe máy Honda Air Blade thuộc sở hữu của tôi. Tôi và người nhận cầm cố thỏa thuận hạn chuộc xe là 4 tháng kể từ ngày cầm cố. Xin hỏi, nếu quá thời hạn này mà tôi không tới chuộc xe thì chiếc xe có đương nhiên thuộc về bên nhận cầm cố không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, cầm cố tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và theo định nghĩa tại Điều 326 – “cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”
Căn cứ Khoản 2 Điều 313 Bộ luật Dân sự 2015, việc xử lý tài sản cẩm cố được thực hiện theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 303 quy định về phương thức xử lý tài sản cầm cố gồm có:
- Bán đấu giá tài sản;
- Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
- Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
- Phương thức khác.
Nếu bên cầm cố và bên nhận cầm cố không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Theo đó, trong trường của bạn, tài sản cầm cố là chiếc xe máy Honda Air Blade không đương nhiên thuộc về người nhận cầm cố trừ khi bạn và bên nhận cầm cố thỏa thuận xử lý chiếc xe khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ chuộc xe theo cách “bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm”. Nếu các bên không có thỏa thuận gì khác về cách thức xử lý tài sản cầm cố thì bên nhận cầm cố phải mang tài sản cầm cố ra bán đấu giá theo quy định của pháp luật.