Xử lý vi phạm về bản quyền sách.

0
605

Nhân ngày sách thế giới 23 tháng 4, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW đã trả lời phỏng vấn kênh VTV4 về vấn đề xử lý vi phạm về bản quyền sách ở Việt Nam hiện nay.

SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Câu hỏi: Luật pháp hiện hành của Việt Nam có những quy định nào về quản lý và xử lý những vi phạm về bản quyền sách, trong đó có sách điện tử?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ thì sách in và sách điện tử là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.

Cũng theo quy định Điều 28 của Luật sở hữu trí tuệ, những hành vi vi phạm bản quyền sách in và sách điện tử được quy định như sau:

Điều 28: Hành vi xâm phạm quyền tác giả

……

  1. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

…….

  1. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

 

Khi có hành vi vi phạm, các cơ quan chức năng có thể áp dụng các chế tài hành chính, hình sự và dân sự.

I. Đối với chế tài hành chính, căn cứ vào NGHỊ ĐỊNH số Số: 131/2013/NĐ-CP QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN ngày 16/10/2013 thì hành vi xâm phạm nêu trên có thể bị xử phạt như sau:

Điều 18. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm

  1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
  2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

 

II. Đối với chế tài hính sự.

Theo quy định tại Điều 170a Bộ luật hính sự năm 2009 thì hành vi vi phạm được xử lý như sau:

170a. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

1.Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm

a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Ngày 1/7/2016, Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thì hành vi vi phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 225 với sửa đổi và bổ sung như sau:

Điều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

1.Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

3.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4.Pháp nhân thương mạiphạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhânthương mạithực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;

c) Pháp nhânthương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

III. Chế tài dân sự.

Các chủ thể quyền sẽ khởi kiện ra toà để đòi bồi thường thiệt hại và yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm theo trình tự tố tụng dân sự.

Câu hỏi: Có con số thống kê nào về việc các công ty sách, nhà xuất bản tìm đến luật pháp để xử lý những vụ việc về vi phạm bản quyền? ​Con số đó so với thực tế? Nguyên nhân?

Trả lời: Hiện tại, theo thông tin của chúng tôi có được hiện tại chúng tôi không có một thống kê về việc các công ty sách, nhà xuất bản tìm đến luật pháp để xử lý những vụ việc vi phạm bản quyền.

Tuy nhiên, qua các phương tiện thong tin truyền thông và qua quá trình tư vấn của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy có rất ít vụ việc được giải quyết bằng toà án và bằng khởi tố hình sự.

Nguyên nhân trên được cho là có những lý do sau:

  1. Biện pháp xử lý hành chính thì mức xử phạt thấp, từ 15 triệu đến 35 triệu đồng theo quy định tại Nghị định nêu trên, không có tính răn đe.
  2. Biện pháp hình sự hiện nay khó áp dụng vì các cơ quan chức năng phải chứng minh được quy mô thương mại theo quy định tại Điều 170a bộ luật hình sự, hiện chưa có hướng dẫn về điều khoản này.
  3. Biện pháp dân sự đã có một số đơn vị áp dụng như First News, tuy nhiên, chi phí thuê luật sư cao, quá trình tố tụng kéo dài cũng là một cản trở cho hoạt động này.