Xử lý việc phát tán thông tin giả mạo trên mạng Internet

0
464

Nhận lời mời của ban biên tập báo An ninh thủ đô, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn với nội dung Xử lý việc phát tán thông tin giả mạo trên mạng Internet.

Câu hỏi: Sau việc dàn xe ô tô biển xanh ở Cần thơ và việc một trang Fanpage giả mạo hay đúng hơn là cố tình gây nhầm lẫn cho người đọc khi “xưng” là báo công an để đưa vụ việc một Việt Kiều bị mở khóa hành lý ở sân bay, (thực chất là do cục an ninh mỹ cắt khóa) nhằm mục đích bôi xấu an ninh sân bay…. Cùng với một số vụ việc khác về việc thông tin giả mạo trên mạng. Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, xin Luật sư cho biết hành vi này sẽ bị xử lý ra sao, trách nhiệm pháp lý của cá nhân vi phạm, các biện pháp để hạn chế, tránh tái diễn…

Trả lời:

– Đối với vụ việc dàn xe ô tô biển xanh ở Cần Thơ:

Theo điều tra xác minh từ phía công an thì những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội thực chất chỉ là mô hình ô tô được lắp biển màu xanh và đặt dưới gần giường/ tủ rồi chụp dưới góc khiến người xem nhầm tưởng là một bãi đậu xe. Tuy nhiên điều đáng nói là cách đặt lời bịnh của chủ bức ảnh “sắp có biến lớn rồi…” đã khiến cộng động mạng có phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt trong thời điểm nhạy cảm gần đây khi việc sử dụng xe công cho mục đích tư đang nổi cộm.

Theo quan điểm của cá nhân tôi thì để xác định hành vi này có bị vi phạm pháp luật hay không và nếu có sẽ bị xử lý ra sao thì cần xem xét tới mục đích, động cơ của việc đăng thông tin đó. Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, có rất nhiều người dùng sử dụng các chiêu trò khác nhau để thu hút sự chú ý, “câu like” và “câu view”. Do đó, trong trường hợp này nếu bức ảnh của người đăng chỉ nhằm mục đích tạo sự chú ý, thu hút từ cộng đồng mạng thì sẽ không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp xác minh được hành vi giả mạo này có mục đích cố ý xuyên tạc, tạo hình ảnh xấu về việc sử dụng xe công của các cơ quan Nhà nước thì sẽ bị xử lý.

Cụ thể, hành vi đăng tải thông tin có nội dung biết rõ là giả mạo lên mạng xã hội với mục đích xuyên tạc, kích động đã vi phạm quy định tại Luật công nghệ thông tin và Nghị định số 72/2013/NĐ – CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Đối với những hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, người đăng hình ảnh trên có thể bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi của mình.

– Đối với việc giả mạo báo công an để đưa tin nhằm bôi xấu danh dự của an ninh sân bay: Trong trường hợp này, rõ ràng mục đích và động cơ của hành vi đã được thể hiện rõ hơn so với vụ việc trước. Người lập fanpage đã có 02 hành vi vi phạm bao gồm giả mạo trang thông tin của báo công an và đăng tải thông tin không đúng sự thật nhằm kích động, bôi xấu danh dự của an ninh sân bay. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi này mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định 72/2013 hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Hiện nay để hạn chế, giảm thiểu các tin đồn sai sự thật trên mạng xã hội thì các cơ quan an ninh mạng cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các thông tin được đăng tải, đặc biệt là đối với các trang mạng được nhiều người tham gia. Trong trường hợp phát hiện hành vi sai phạm cần tiến hành xử lý kịp thời, tạo sức răn đe đối với những cá nhân/ tổ chức đang có ý định vi phạm. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tránh để những tin đồn thất thiệt dễ gây ảnh hưởng đến tâm lý, ý thức của họ.