Nhận lời mời của báo Đất Việt, luật sư Nguyễn Thanh Hà và luật sư Nguyễn Bùi Anh Tuấn đã có bài trả lời phỏng vấn về vấn đề nêu trên, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:
Bài viết của luật sư Nguyễn Thanh Hà và luật sư Nguyễn Bùi Anh Tuấn từ công ty Luật SBLAW.
——–*————–*———-
“Chắc ai đó sẽ về” vs. “Because I miss you”
Theo quy định của pháp luật, cụ thể ở đây là quy định tại Điều 5 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của chính phủ về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ” thì cần phải có đủ các căn cứ sau đây:
1. Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
2. Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
3. Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33 của Luật Sở hữu trí tuệ.
4. Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Như vậy, hành vi liên quan đến bài hát “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng sẽ bị coi là hành vi xâm phạm quyền nếu đáp ứng đầy đủ cả 4 căn cứ trên.
Bài hát “Chắc ai đó sẽ về” hiện đang gây tranh cãi chủ yếu ở phần Beat vốn bị các nhạc sỹ của Hội âm nhạc Việt Nam kết luận là “đạo nhạc một cách tinh vi” đối với phần beat của ca khúc “Because I miss you”.
Như căn cứ đã viện dẫn nêu trên, để có thể kết luận, cần phải trả lời cả 4 câu hỏi sau đây:
– Thứ nhất: Phần Beat của các các khúc nói chung và bài hát “Because I miss you” có được coi là một trong các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không?
– Thứ hai: Có yếu tố xâm phạm trong bài hát “Chắc ai đó sẽ về” hay không?
– Thứ ba: Sơn Tùng có phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33 của Luật Sở hữu trí tuệ hay không?
– Hành vi bị xem xét có xảy ra tại Việt Nam hay không?
Các phân tích dưới đây là để trả lời lần lượt từng câu hỏi đã nêu.
1. Beat có được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không?
Để trả lời câu hỏi này, có thể căn cứ vào các quy định cụ thể của Luật sở hữu trí tuệ:
Khoản 7, Điều 4 của Luật sở hữu trí tuệ quy định “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 14 thì tác phẩm âm nhạc được coi là một tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ như định nghĩa được quy định tại khoản 7, Điều 4 của Luật sở hữu trí tuệ.
Vậy Beat nhạc có thể được coi là một tác phẩm âm nhạc hay không?
Về vấn đề này, tôi tin chắc là các nhạc sỹ có tiếng sẽ là người có tiếng nói và đánh giá rõ ràng nhất. Tuy nhiên, hiểu nôm nay, Beat là một thuật ngữ được sử dụng trong nhạc lý với nghĩa là Nhịp, Phách. Khi dùng để tính số nhịp đập trong một khuôn nhạc thì beat gọi là NHỊP (ví dụ: nhịp 2/4, nhịp 4/4, nhịp 6/8…). Khi dùng để chỉ 01 lần nhịp đập, beat được gọi là phách nhạc (đoạn này ngân dài 3 phách, nghỉ 2 phách…).
Trong khi hát, ca sỹ phải nắm vững nhịp (beat) và dàn nhạc cũng đảm bảo giữ vững nhịp (beat) để phối hợp với ca sỹ. Tất cả những người thực hiện bản nhạc đều phải tuân thủ theo beat để phối hợp với nhau thành bản nhạc hoàn chỉnh; trong đó, chịu trách nhiệm giữ vững nhịp là dàn nhạc (thông thường là bộ trống và nhạc cụ accord – đánh đệm).
Các nhạc cụ khác như string, lead, background, solo và giọng hát… đều bám theo beat do bộ trống hoặc accord tạo ra. Do vậy, beat là một trong những mối liên hệ chung cho quá trình phối hợp các bộ phận với nhau thành bản nhạc. Tôi nói là một trong những mối liên hệ chúng, vì ngoài beat còn có các mối liên hệ chung khác như: tone, tempo…
– Khi bản nhạc có lời ca (giọng hát ca sỹ) được gọi là CA NHẠC.
– Bản nhạc có lời nhạc bằng nhạc cụ được gọi là hoà tấu, trong đó lời nhạc gọi là melody.
– Vì tính chất beat là đặc thù trong âm nhạc, để ngắn gọn, mọi người gọi nhạc bản nhạc không có melody và giọng hát, nhưng hoà âm để phối hợp với lời nhạc thì được gọi là nhạc BEAT.
Như vậy, nếu theo cách hiểu của Beat thông dụng trong âm nhạc thì rõ ràng Beat có thể được coi là một tác phẩm âm nhạc được bảo hộ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam vì đây là một sản phẩm của sự sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật (âm nhạc) và một khi nó đã được thể hiện dưới một dạng vật chất nhất định thì nó cần phải được bảo hộ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, phù hợp với Công ước quốc tế về bảo hộ quyền tác giả.
Như vậy, nếu như Beat là một đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì các hành vi xâm phạm quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm cần phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Có yếu tố bị xâm phạm trong bài hát “Chắc ai đó sẽ về” hay không?
Để xác định liệu bài hát “Chắc ai đó sẽ về” có chứa yếu tố xâm phạm quyền tác giả đối với bài hát “Because I miss you” hay không, cần căn cứ vào các quy định của pháp luật và thực tế so sánh phần Beat của hai ca khúc này với nhau.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 của Nghị định số 105 đã nêu, thì yếu tố xâm phạm quyền tác giả có thể thuộc một trong các dạng sau:
a) Bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép;
b) Tác phẩm phái sinh được tạo ra một cách trái phép;
c) Tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả;
d) Phần tác phẩm bị trích đoạn, sao chép, lắp ghép trái phép;
đ) Sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả bị vô hiệu hoá trái phép.
Sản phẩm có yếu tố xâm phạm quy định tại khoản này bị coi là sản phẩm xâm phạm quyền tác giả.
Khi xem xét về vấn đề này, để tiện cho việc đánh giá có thể tham khảo đến kết luận của các nhạc sỹ trong hội đồng thẩm định và của cả chính tác giả của bài hát “Chắc ai đó sẽ về” để tiện xem xét vụ việc.
Trong một bài phỏng vấn trang báo điện tử vnexpress (http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/nhac/lang-nhac/son-tung-m-tp-giai-dieu-va-ca-tu-chac-ai-do-se-ve-la-cua-toi-3105907.html) thì Sơn Tùng thừa nhận bản Beat của bài hát “Chắc ai đó sẽ về” không phải do anh sáng tác ra mà là do một bên thứ ba thực hiện (Cụ thể ở đây là do Nhà sản xuất thực hiện).
Về kết luận của các nhạc sỹ trong hội đồng thẩm định âm nhạc, phần lớn đều cho rằng bản Beat của bài hát “Chắc ai đó sẽ về” có sự tương đồng với bản beat của ca khúc “Beacause I miss you” từ 60-70%.
Như vậy, có thể coi bản Beat của bài hát “Chắc ai đó sẽ về” là một bản sao chép có chỉnh sửa bản beat của ca khúc “Because I miss you”.
Tuy nhiên, theo quy định khoản 4, Điều 4 của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/09/2006 quy định về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan thì “Bản sao tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Bản sao chụp tác phẩm cũng là bản sao tác phẩm”.
Như vậy, dù có chỉnh sửa nhưng bản Beat của bài hát “Chắc ai đó sẽ về” vẫn có thể coi là bản sao chép của bản beat trong ca khúc “because I miss you” tức có thể là yếu tố xâm phạm được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 7 đã viện dẫn ở trên.
Vấn đề ở đây cần xác định tiếp là bản sao tác phẩm này có được tạo ra một cách trái phép hay không?
Theo quy định tại khoản 6, điều 28 của Luật sở hữu trí tuệ thì hành vi “Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ” thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Cũng theo quy định tại điểm a và điểm đ, khoản 1, điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ thì các hành vi sau đây không bị coi là xâm phạm quyền tác giả:
– Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
– Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;
Cả hai mục đích trên thì bài hát “Chắc ai đó sẽ về” đều không đạt được. Do đó, hành vi sao chép này sẽ bị coi là xâm phạm quyền tác giả nếu không có sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Nghĩa là nếu tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của ca khúc Because I miss you cho phép thì hành vi này sẽ không bị coi là trái pháp luật.
Tuy nhiên, theo dõi nội dung vụ việc này từ thời điểm bắt đầu đến khi có kết luận chính thức của Cục nghệ thuật biểu diễn, Sơn Tùng và các bên có liên quan đều không đưa ra được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh rằng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm Because I miss you đã cho phép ca sỹ này sử dụng bản Beat trong ca khúc Because I miss you tại thời điểm trước hoặc trong khi sáng tác bài hát Chắc ai đó sẽ về.
Một động thái gần đây được coi là của chủ sở hữu tác phẩm là công văn của FNC Entertainment khẳng định rằng “Chúng tôi nhận thấy tuy có sự tương đồng như về quy trình lập trình, giai điệu… nhưng chúng tôi không xem đây là vấn đề ‘ăn cắp bản quyền’ đối với bản thu âm này”
http://www.vietnamplus.vn/tac-gia-because-i-miss-you-xac-nhan-son-tung-mtp-khong-dao-nhac/293905.vnp
Chính vì căn cứ vào công văn nêu trên của phía Hàn Quốc mà Cục nghệ thuật biểu diễn đã có kết luận sơ bộ là Sơn Tùng không đạo nhạc.
Tuy nhiên, quan điểm của tôi cho rằng, công văn nêu trên của phía Hàn Quốc chỉ thể hiện về mặt ý chí chủ quan của họ là họ không coi sự tương đồng về quy trình lập trình, giai điệu giữa hai bản beat là “ăn cắp bản quyền” chứ không hề thể hiện rõ ý chí của họ một cách cụ thể là có cho phép hay không cho phép việc sử dụng bản beat của họ để tạo nên ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” hay không. Ở đây có thể hiểu thái độ của phía Hàn Quốc là họ không quan tâm xem có hay không có hành vi xâm phạm bản quyền theo cách đánh giá của họ trong trường hợp này chứ không phải là cho phép hay không cho phép một cách chính thức.
Từ các phân tích nêu trên, tôi cho rằng Chắc ai đó sẽ về có chứa yếu tố xâm phạm quyền đối với bản beat của ca khúc “Because I miss you”.
3. Sơn Tùng có phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33 của Luật Sở hữu trí tuệ hay không?
Trong các quy định trên, Điều 32 và 33 là các quy định quy định về việc sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 32) và các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 33). Vì đối tượng bị xem xét là một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả chứ không phải là quyền liên quan, nên các căn cứ pháp lý này có thể không cần thiết phải xem xét đến.
Điều 25 và 26 lần lượt quy định về việc sử dụng các tác phẩm đã công bố không cần phải xin phép, không cần phải trả nhuận bút, thù lao (Điều 25) và các trường hợp sử dụng tác phẩm công bố không phải xin phép nhưng phải trả nhuận bút, thù lao (Điều 26).
Sơn Tùng không phải là đối tượng được quy định tại các Điều 25 và Điều 26 của Luật sở hữu trí tuệ. Nên Sơn Tùng không được coi là chủ thể quyền sở hữu đối với bản beat của ca khúc “Because I miss you” cũng như không phải là chủ thể được pháp luật cho phép sử dụng bản beat này.
4. Hành vi bị xem xét có xảy ra tại Việt Nam hay không?
Việc sử dụng ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” với tư cách là nhạc nền của bộ phim Chàng trai năm ấy dự định khởi chiếu ở Việt Nam và hướng đến người tiêu dùng ở Việt Nam.
Nên hành vi này bị coi là xảy ra tại Việt Nam.
Từ các phân tích nêu trên, dẫn chiếu theo các quy định của pháp luật thì hoàn toàn có thể kết luận có hay không có hành vi xâm phạm quyền tác giả trong trường hợp này.
Ở đây, tôi xin lưu ý một điều rằng cần phải xác định rõ hai vấn đề trong vụ việc này:
– Một là: Nhận định vấn đề xem ở đây có hay không có hành vi xâm phạm quyền tác giả;
– Hai là: Xử lý như thế nào để phù hợp với quy định của pháp luật.
Về mặt nhận định vấn đề: Hiện tại, quan điểm của tôi khác với kết luận sơ bộ của Cục nghệ thuật biểu diễn, vì với các phân tích đã nêu trên, ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” đáp ứng đầy đủ các căn cứ để xác định một hành vi xâm phạm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về mặt xử lý vấn đề: Tôi chưa thấy một sự xử lý vấn đề phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành
Tôi lưu ý rằng, trong các văn bản pháp luật mà các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có nhắc tới là nghị định số 79/2012/NĐ-CP của chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
Theo quy định tại khoản 5, điều 6 của Nghị định này thì “Vi phạm các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan” bị coi là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động biểu diễn.
Tôi lưu ý rằng, giữa quy định của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP với nghị định số 105/2006/NĐ-CP đã nêu cũng như nghị định số 119/2010/NĐ-CP.
Theo quy định của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP thì cơ quan có thẩm quyền chỉ được tiến hành xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả theo thủ tục xử lý hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có đơn yêu cầu của Người bị xâm phạm.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 79/2012/NĐ-CP thì việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan lại là một trách nhiệm mà tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn phải tuân thủ.
Nghĩa là việc xem xét một hành vi có phải là hành vi bị nghiêm cấm hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trong trường hợp này là cơ quan cấp phép biểu diễn) trong quá trình xem xét giải quyết vụ việc chứ không phụ thuộc vào ý kiến của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ không xử lý hành vi vi phạm quy định về biểu diễn nếu có ý kiến rõ ràng của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm cho phép người biểu diễn, tổ chức biểu diễn sử dụng tác phẩm của mình.
Phía Hàn Quốc chỉ mới thể hiện quan điểm chủ quan của họ là họ không coi ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” là một sự ăn cắp bản quyền chứ không hề thể hiện rõ họ đồng ý hay không đồng ý, cho phép hay không cho phép việc sử dụng beat của ca khúc “Because I miss you” trong ca khúc “Chắc ai đó sẽ về”.
Do đó, để đảm bảo việc thực hiện pháp luật được đảm bảo hợp tình, hợp lý, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam cần phải có công văn giải thích rõ với phía Hàn Quốc về trường hợp này và đề nghị họ có văn bản xác nhận về việc có hay không cho phép việc sử dụng bản Beat của ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” ở Việt Nam hay không để làm căn cứ cấp phép biểu diễn cho ca khúc này ở Việt Nam.
Quan điểm cá nhân của tôi tin rằng các nhạc sỹ của Hội âm nhạc Việt Nam đã có những đánh giá đúng về sự tương tự giữa bản beat của ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” với bản beat của ca khúc “Because I miss you”. Tuy nhiên, cái cách kết luận của các nhạc sỹ này khiến cho những người theo dõi vụ việc này hiểu nhầm và tạo cái nhìn không tốt cho Sơn Tùng.
Bản thân của việc sử dụng cụm từ “Đạo nhạc” mà theo tôi là một cụm từ giật gân hay được sử dụng trên báo chí là chưa hợp lý. Vì rõ ràng với các phân tích nêu trên, pháp luật không có quy định nào sử dụng cụm từ “Đạo nhạc” cả. Theo tôi đây là một kinh nghiệm mà không chỉ các nhạc sỹ mà còn cả các nhà văn, nhà báo và cả người hâm mộ cần phải rút ra.
Khi nói một ca khúc nào đấy đạo nhạc là một quy kết hết sức nặng nề và nghiêm trọng. Nhưng nếu nói một ca khúc có chứa yếu tố xâm phạm quyền tác giả đối với một ca khúc khác thì nó sẽ chính thống hơn, sẽ giúp cho người tiếp nhận thông tin có thể hiểu rõ hơn về bản chất của vấn đề.
Về phía Sơn Tùng cách ứng xử của ca sỹ này trong thời gian qua đã thể hiện được sự bình tĩnh và chuyên nghiệp của ca sỹ này. Mặc dù dậy song một thời gian nhưng chàng ca sỹ này vẫn có được sự bình tĩnh.
Im lặng trong quá trình giải quyết vấn đề để chờ vụ việc được giải quyết sáng tỏ. Sơn Tùng là một nhạc sỹ, ca sỹ trẻ có tài năng và triển vọng trong tương lai. Đối với bài hát Chắc ai đó sẽ về, cá nhân tôi cảm nhận lời bài hát sâu sắc, có nhiều ý nghĩa.
Tuy nhiên, đáng tiếc là trong quá trình chuẩn bị bài hát, việc sử dụng Beat vay mượn của một bài hát nổi tiếng khác đã ảnh hưởng đến uy tín của chàng ca sỹ này. Như Sơn Tùng đã thừa nhận, Beat của bài hát này không phải là do anh sáng tác mà là do Nhà sản xuất tự thực hiện dựa trên lời bài hát của anh. Đây cũng được xem như là một kinh nghiệm mà Sơn Tùng cần phải tránh trên con đường chinh phục đỉnh cao âm nhạc của anh.
Trong tài liệu này, các văn bản dưới đây được hiểu như sau
Luật sở hữu trí tuệ: là luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009;
Nghị định số 105/2006/NĐ-CP: Là nghị định số 105/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22 tháng 09 năm 2006 của chính phủ về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ” đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Nghị định số 119/2010/NĐ-CP của chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2005/NĐ-CP.
Nghị định số 100/2006/NĐ-CP: là Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/09/2006 quy định về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Nghị định số 85/2011/NĐ-CP quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP