Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời báo ANTĐ về vấn đề taxi Uber.

0
378

Nhận lời mời của ban biên tập báo ANTĐ, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW đã có bài trả lời phỏng vấn về vấn đề tính pháp lý của taxi Uber.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Gần đây tại TPHCM xuất hiện một loại hình dịch vụ taxi mới thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên điện thoại thông minh smartphone để kết nối giữa người cần di chuyển với chủ xe có nhu cầu cho thuê xe. Cụ thể, những xe tham gia sử dụng Uber không có phù hiệu taxi, không có logo, đồng hồ tính tiền cước như những xe taxi khác. Trong khi đó, khách hàng chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình.

 

Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin chi tiết về phí chuyến đi, chiếc xe sắp đến đón. Nếu khách hàng đồng ý, chi phí sẽ được trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard. Giá của dịch vụ này thấp hơn so với dịch vụ taxi thông thường. Về nguồn thu, Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%. Do giá rẻ, kết nối nhanh nên được người dân ưa chuộng.

 

Theo cơ quan quản lý, về bản chất, đây là loại hình xe hợp đồng vận tải nhưng không được các cơ quan chức năng cấp phép và không có phù hiệu xe chạy theo hợp đồng quy định hiện hành. Taxi Uber là loại hình rủi ro do không đăng ký kinh doanh vận tải, không đóng thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước, không đảm bảo an toàn giao thông khi không có trách nhiệm bảo đảm tính mạng cho hành khách, xe không đóng bảo hiểm cho hành khách nên khi xảy ra sự cố sẽ không nhận được khoản bảo hiểm nào… Đây là hình thức kinh doanh không lành mạnh, cần có hình thức quản lý và chế tài xử phạt”.

 

Bộ GTVT đã tiếp nhận kiến nghị của Hiệp hội Taxi TPHCM và đã có công văn gửi Bộ Công an đề nghị vào cuộc chỉ đạo các lực lượng liên quan kiểm tra tính pháp lý của taxi Uber, phát hiện xử lý đối với lái xe chở người có thu tiền nhưng không thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô cũng như các quy định khác; có biện pháp ngăn chặn việc vi phạm pháp luật nếu có của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm Uber.

 

Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra nội dung thuế và việc thanh toán tiền của người đi xe với tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm Uber, xử lý theo quy định nếu có. Đồng thời, đề nghị Bộ Thông tin truyền thông thông tin tuyên truyền về thực tế hình thức chở người có thu tiền thông qua ứng dụng Uber, không bảo đảm quyền lợi cho người đi xe vì đây không phải hình thức kinh doanh vận tải phù hợp quy định; người điều hành, người lái xe không được quản lý theo quy định do đó tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông cũng như an toàn tài sản của chính bản thân người đi xe. Hôm 28/11 vừa qua, Thanh tra giao thông kết hợp cùng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM đã ra quân xử lý xe dịch vụ Uber, lập biên bản tạm giữ giấy tờ vi phạm “kinh doanh vận tải bằng ô tô (taxi Uber) không có đăng ký kinh doanh theo quy định” theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Phóng viên: Luật sư có thể phân tích giúp em về những văn bản pháp lý hiện hành quy định về vấn đề trên ?

Trả lời: Cần phải hiểu bản chất của dịch vụ Uber, Uber cung cấp một ứng dụng (application) trên điện thoại thông minh (smartphone) để kết nối người có nhu cầu đi xe ô tô và những người có phương tiện giao thông, bản chất Uber không phải là cung cấp dịch vụ vận tải mà họ chỉ cung cấp nền tảng để người cung cấp khách hàng và người có nhu cầu sử dụng dịch vụ gặp nhau.

Có thể hiểu bản chất của dịch vụ này là trung gian vận tải thì đúng hơn. Đây là một hình thức kinh doanh mới, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành như Luật giao thông đường bộ, luật doanh nghiệp, luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành thì chưa có bất cứ một quy định nào quy định về vấn đề này.

Nói tóm lại, hành lang pháp lý cho hoạt động này tại Việt Nam còn trống, chưa có văn bản hướng dẫn thi hành.

Phóng viên: Theo quy định, hoạt động của taxi uber có bị coi là vi phạm pháp luật ?

Trả lời: Theo quan điểm của tôi, không nên kết luận nền ứng dụng uber là taxi uber. Nếu quy uber là dịch vụ taxi thị rõ ràng là đã vi phạm quy định của luật, vì theo quy định tại điều 67 của Luật giao thông đường bộ, kinh doanh dịch vụ taxi là ngành kinh doanh có điều kiện, tổ chức và cá nhân kinh doanh phải đáp ứng những điều kiện nhất định như số lượng, chất lượng xe, người điều hành doanh nghiệp phải có trình độ chuyên môn, phải có đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, như phân tích ở trên, đây chỉ là dịch vụ trung gian giữa người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng mà hiện tại chưa có quy định pháp lý để điều chỉnh mối quan hệ này, vì vậy, việc kết luận có hành vi vi phạm pháp luật hay không thì cần bỏ ngỏ.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, trong quá trình kinh doanh, trên thế giới có rất nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau, tuy nhiên, khi nhà đầu tư vào Việt Nam muốn xin cấp phép kinh doanh, nhưng những ngành này lại hầu như chưa được quy định trong bất cứ quy định nào, điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc tiếp cận thị trường và khó khăn cho cơ quan quản lý vì không có căn cứ để quyết định có cấp phép hay không cấp phép.

Phóng viên: Những rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải khi sử dụng dịch vụ này ?

Trả lời: Những rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải khi sử dụng dịch vụ này là vấn đề bảo hiểm, khi hành khách sử dụng dịch vụ này, hành khách sẽ không có bảo hiểm như khi sử dụng dịch vụ taxi truyền thống.

Bên cạnh đó, khách hàng còn gặp phải những rủi ro như trình độ người lái xe, không như người lái taxi, người lái xe có thể là những người chưa chuyên nghiệp, mới tập lái, có thể ảnh hưởng tới an toàn cho khách hàng.

Thêm nữa, khách hàng còn gặp phải vấn đề khi thất lạc hành lý, việc khiếu nại đối với người lái xe hoặc đơn vị trung gian cũng gặp phải khó khăn.

Phóng viên: Để tránh tình trạng taxi uber  ngày càng phát triển đến mức khó kiểm soát cần sớm bổ sung các quy định pháp luật nào ???

Trả lời: Theo quan điểm của tôi, cần phải đặt vấn đề là tại sao hình thức Uber này lại phát triển nhanh như thế? Chắc chắn là nó có những lợi thế nhất định như tiện lợi, tiết kiệm chi phí và văn minh.

Vì vậy, chúng ta không nên hạn chế hình thức kinh doanh mới mà cần nghiên cứu, ban hành các quy định của pháp luật để điều chỉnh hoạt động này, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động.

Hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, của nhà cung cấp dịch vụ và nhà nước lại thu được thuế từ hình thức kinh doanh mới.

Phóng viên: Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng dịch vụ này vẫn bị coi là trái luật, không lành mạnh. Vậy thế nào là không lành mạnh, cơ sở cấm là gì và phạt bằng cách nào, trên cơ sở nào khi đó là sự thoả thuận giữa người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Anh có thể phân tích thêm trên cơ sở luật doanh nghiệp về những ngành nghề không bị cấm kinh doanh. Liệu đây có phải là tình trạng “không quản được thì cấm”? Cảm ơn anh nhiều!

Trả lời: Trong những ngày gần đây, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính một số chủ xe khi liên kết với nền tảng Uber để cung cấp dịch vụ vận tải cho khách hàng. Căn cứ mà các cơ quan chức năng đưa ra đó là các chủ xe đã vi phạm quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP về việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô mà không đăng ký kinh doanh.

Theo quan điểm của tôi, việc các cơ quan chức năng tiến hành xử phạt như trên là chưa thỏa đáng vì hiện tại, hành lang pháp lý cho dịch vụ này vẫn chưa có, vẫn không có quy định cụ thể của cơ quan nhà nước là cho phép hay không cho phép dịch vụ này được phép hoạt động.

Bên cạnh đó, chúng ta chỉ xử phạt được người cung cấp dịch vụ vận tải là người Việt Nam, còn người trung gian cung cấp dịch vụ là Uber thì không phải chịu chế tài xử phạt.

Theo quan điểm về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những quy định hết sức thông thoáng của Luật doanh nghiệp và luật đầu tư sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng chưa nên xử phạt hình thức kinh doanh này.

Các cơ quan chức năng nên nhìn nhận đây là một hình thức kinh doanh mới, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội và nhà nước có thể thu thuế từ hoạt động kinh doanh hợp pháp, thay vì tìm cách xử phạt, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của nước ngoài để ban hành quy định quản lý và thúc đẩy hình thức kinh doanh mới này.