Luật cạnh tranh (sửa đổi): Mở rộng đối tượng áp dụng

0
693

Nhằm khắc phục những tồn tại của Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo vừa được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ nay đến hết ngày 22/11. Dự kiến, luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5/2018.

So với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh mới đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều nội dung quan trọng, phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế. Trong đó, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đó là luật đã mở rộng đối tượng áp dụng. Theo đó, ngoài tổ chức, cá nhân kinh doanh và hiệp hội ngành nghề, dự thảo luật còn áp dụng đối với “Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”. Trong đó, bao gồm cả các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính.

Thay đổi này sẽ tạo cơ chế công bằng hơn cho tất cả các loại hình doanh nghiệp và nếu không mở rộng đối tượng áp dụng sang với tổ chức, cá nhân nước ngoài, sẽ khó bảo vệ được kinh doanh trong nước, cũng như ngăn chặn hành vi chuyển giá của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các văn bản can thiệp “vô lý” liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh được một số địa phương ban hành trước đây như yêu cầu người dân, doanh nghiệp trên địa bàn chỉ sử dụng sản phẩm của một công ty nào đó sản xuất sẽ không còn “cửa” để tồn tại. Cơ quan nhà nước, cá nhân ban hành văn bản đó cũng sẽ bị điều chỉnh, xử lý bởi Luật Cạnh tranh sửa đổi.

Một khi thị trường không còn bị điều tiết bởi những mệnh lệnh mang tính hành chính, chủ quan thì một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh sẽ được xây dựng. Ở đó, tất cả các doanh nghiệp sẽ hoạt động theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh bằng chính chất lượng sản phẩm và dịch vụ

Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng áp dụng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Cơ quan cạnh tranh của Việt Nam hợp tác với các cơ quan cạnh tranh các nước trong quá trình điều tra xử lý vụ việc liên quan đến cạnh tranh. Trường hợp Việt Nam chưa ký kết, hoặc chưa gia nhập điều ước quốc tế có liên quan đến cạnh tranh, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong tố tụng cạnh tranh theo nguyên tắc có đi có lại, không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế.

Do đó, nếu Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được thông qua thì không chỉ nhà sản xuất, nhà cung ứng sản phẩm, người tiêu dùng mà cả nền kinh tế cũng được hưởng lợi, mang lại lợi ích nhiều hơn cho tất cả các bên tham gia thị trường.