“Thuốc trị” cạnh tranh không lành mạnh

0
639

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã trả lời các vấn đề liên quan đến Nghị định 75/2019/NĐ-CP về mức xử phạt đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên Diễn đàn doanh nghiệp. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Theo Nghị định 75 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh vừa được Thủ tướng ban hành, các doanh nghiệp vi phạm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và độc quyền bị phạt tối đa 10% tổng doanh thu của năm tài chính liền kề trước đó.

  1. Ông đánh giá như thế nào về những thay đổi của Nghị định lần này?

Trả lời:

Ngày 26/09/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 75/2019/NĐ-CP hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.

Theo đó, Nghị định này quy định cụ thể hơn về hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, việc thi hành quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh khác và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh khác.

Các hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh bao gồm các hành vi: vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền; vi phạm quy định về tập trung kinh tế; vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh; vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác.

Những thay đổi của Nghị định này được đánh giá là bám sát vào hiện trạng cạnh tranh của thị trường Việt Nam hiện nay. Nghị định cũng đã nâng mức phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm răn đe, hạn chế hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh, …Việc ban hành Nghị định phần nào cũng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn Luật Cạnh tranh mới, bảo vệ mình hơn trong môi trường canh tranh hiện nay.

  1. So với pháp luật hiện hành về cạnh tranh, quy định này có điểm nào khác biệt?

Trả lời:

Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ra đời quy định chặt chẽ hơn các hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, …

Ví dụ: về biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh gây ra, Nghị định mới đã thay đổi, bổ sung thêm một số biện pháp mới như: Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; Buộc chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế; Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; …

Đặc biệt là Nghị định này đã nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Nghị định, mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm được quy định trong Bộ Luật Hình sự.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2.000.000.000 đồng thay vì là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức như trước đây.

Cụ thể, mức phạt đối với một số hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh như sau:

– Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh (hiện hành mức phạt này là từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng).

– Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với hành vi ép buộc trong kinh doanh, phạt tiền gấp 2 lần mức trên trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (hiện hành mức phạt này là từ 50 triệu đồng đến 150 triệu đồng).

– Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác phạt tiền gấp 2 lần mức trên trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (hiện hành mức phạt này là từ 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng).

Bên cạnh đó, bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ với mức phạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, và phạt tiền gấp 2 lần tức là lên đến 2 tỷ đồng nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

  1. Mức phạt này có đủ để ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh không, thưa ông?

Trả lời:

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh đã tăng gấp 10 lần so với quy định trước đây. Các nhà chuyên môn đã nghiên cứu và đưa ra mức phạt cho phù hợp với tình hình doanh nghiệp Việt Nam cũng như tình trạng vi phạm pháp luật cạnh tranh như hiện nay.

Tuy nhiên, cũng phải đợi một thời gian nữa khi Nghị định này có hiệu lực để doanh nghiệp áp dụng vào thực tiễn thì mới có thể bàn tiếp đến chuyện nó có đủ sức ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không.

  1. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường?

Trả lời:

Hiện nay, Doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ về số lượng, đã tới con số hơn 700 nghìn. Để có sự phát triển như vậy, phải có sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các Doanh nghiệp, trong đó, tồn tại cả cạnh tranh không lành mạnh ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế, …Doanh nghiệp bất chấp, sử dụng mọi thủ đoạn, mọi hình thức kinh doanh không hợp lý, hợp pháp để đạt được mục đích, ý muốn của mình.

Điển hình như vụ bia Huda của Huế bị tung tin đồn bán cho Trung Quốc với động cơ hạ thấp uy tín thương hiệu bia Huế, phá hoại môi trường kinh doanh lành mạnh. Hậu quả là sau khi tin đồn tung ra, sản lượng bia Huda tiêu thụ trên thị trường giảm nghiêm trọng. Cũng may hậu quả này diễn ra không dài do người dân nhận ra đó là tin đồn thất thiệt nên đã quay trở lại uống bia Huda.

Hay như vụ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố hàm lượng arsen trong nước mắm, hay còn gọi là “nước mắm arsen”, một cách mập mờ do không nói rõ arsen hữu cơ và vô cơ. Báo cáo của VINASTAS đã công bố như thế này: “Các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ có hàm lượng arsen hữu cơ vượt ngưỡng càng tăng, cụ thể 95,65% số mẫu có độ đạm từ 40% đều có hàm lượng arsen vượt ngưỡng”. Điều này cho thấy có sự cấu kết giữa DN làm ăn bất chính với một bộ phận truyền thông làm “sân sau” và một số cán bộ quản lý Nhà nước biến chất, mọi sự được dàn dựng tinh vi, bài bản, làm méo mó thị trường.

  1. Vậy, để hạn chế những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, chúng ta cần những giải pháp nào, thưa ông?

Trả lời:

Để giải quyết tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường không thể làm được trong ngày một ngày hai. Bởi với nhiều nguyên nhân từ kẽ hở trong pháp luật đến ý thức, sự hiểu biết của Doanh nghiệp Việt Nam, cộng đồng xã hội về cạnh tranh.

Trước hết, chúng ta phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của Doanh nghiệp về Luật Cạnh tranh mới cũng như về Nghị định số 75/2019/NĐ-CP hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh mà Thủ tướng mới ban hành và sắp có hiệu lực vào cuối năm nay.Đồng thời cũng tuyên truyền đến người dân để họ biết bảo vệ mình trong các cuộc chiến về cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Chính bản thân Doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm hiểu, học hỏi về pháp luật cạnh tranh, về những quy định mới về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, …

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải nâng cao trách nhiệm của mình hơn nữa, đồng hành cùng các doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp cùng người dân khỏi các hành vi vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh. Kiểm tra, theo dõi, sát sao, đốc thúc các doanh nghiệp thực hiện, tuân thủ các quy định pháp luật. Dựa vào đó để tiếp tục đổi mới, thay đổi các chính sách, biện pháp phù hợp với thực trạng của thị trường cạnh tranh trong tương lai.