Cuộc chiến căng thẳng Mỹ – Trung: Hàng hóa trong nước bị “đe dọa” bởi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc

0
462

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật SB Law đã trả lời về việc Lĩnh vực sản xuất sứ, sen vòi Việt Nam đang bị hàng nhập khẩu Trung Quốc “đe dọa” như thế nào trên báo Xây dựng. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều ngành nghề sản xuất trong nước, trong đó không ngoại trừ lĩnh vực sản xuất sứ, sen vòi của ngành Xây dựng.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, tính theo đường chính ngạch, sản lượng nhập khẩu các mặt hàng sứ, sen vòi từ thị trường Trung Quốc ngày một gia tăng, năm 2017 là 117. 000sp, 2018 là 269.000sp và dự kiến năm 2019 lên đến trên 400.000sp (số liệu của Hải quan).

Chưa kể số sản phẩm nhập lậu theo đường tiểu ngạch cao gấp 2-3 lần con số này vì thông thường doanh nghiệp sử dụng giấy thông quan của 01 đơn hàng cho nhiều đơn hàng khác nhau nên con số của Hải quan là chưa phản ánh đúng thực tế.

Hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam được tiêu thụ theo cách nào? Thứ 1, DN Chào giá thấp cho đại lý nên biên lợi nhuận lớn. Thứ 2, sản phẩm vào Việt Nam thường là sp không có nhãn hiệu, khi tiêu thụ sẽ được gắn bất kỳ một nhãn hiệu nào trên thị trường, hiện có hàng trăm nhãn hiệu sứ, sen vòi tại thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, khoảng 1 năm trở lại đây, tình trạng nhập khẩu và nhập lậu các mặt hàng sứ, sen vòi ngày càng gia tăng vì áp lực phải tiêu thụ hết hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị dồn ứ lại do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung từ phía Trung Quốc.

Hiện nay, các DN sứ, sen vòi tại thị trường Việt Nam đang rất lo lắng trước nguy cơ phải đóng cửa, phá sản nhà máy, doanh nghiệp trước sự đổ bộ của các mặt hàng Trung Quốc, trong đó có các thương hiệu nổi tiếng như Inax, Viglacera… là những DN chiếm thị phần lớn trong nước, sở hữu nhiều nhà máy, có đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề, gắn bó lâu năm với doanh nghiệp. Đặc biệt là Viglacera là doanh nghiệp tiền thân thuộc Bộ Xây dựng đã được Nhà nước chăm chút trở thành một thương hiệu gắn bó với người Việt, nhắc đến gạch, sứ, sen vòi của Việt Nam không thể không nhắc tới Viglacera…

  1. Xin được hỏi LS Nguyễn Thanh Hà, Chính phủ có cần thiết phải bảo vệ lĩnh vực sản xuất sứ, sen vòi trong nước không? Vì sao?

Trả lời:

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có hồi kết và cuộc chiến ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Xét về mặt tích cực, Việt Nam là nước nằm trong top 5 quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất thể giới với hơn 38 tỷ USD năm 2017. Những mặt hàng Mỹ đánh thuế nhập khẩu từ Trung Quốc đều nằm trong thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, đây là cơ hội tốt để Việt Nam chiếm lĩnh thị phần. Mặt khác, khi đồng USD tăng giá, nhân dân tệ (NDT) giảm giá sẽ có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn, vì Việt Nam đồng (VNĐ) chủ yếu neo theo giá USD. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng có thể tăng lên trong bối cảnh dòng vốn FDI vào các nước bị Mỹ đánh thuế cao sẽ có xu hướng chững lại.

Bên cạnh tác động tích cực, Việt Nam cũng sẽ chịu một số tác động bất lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc như: Nền kinh tế Việt Nam tuy nhỏ nhưng có độ mở lớn, lại phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, trong đó, Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác lớn nhất về ngoại thương của Việt Nam. Hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ bị hạn chế dẫn tới dư thừa và có thể đổ về thị trường Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam.

Việc Trung Quốc tăng cường xuất khẩu sang nước ta các mặt hàng sứ, sen vòi như nêu trên là một ví dụ. Việc này làm cho doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng này tại Việt Nam phải điêu đứng trước nguy cơ tồn kho, ứ đọng hàng hóa; có thể dẫn đến đóng cửa, phá sản doanh nghiệp. Nếu việc nhập khẩu các mặt hàng này vào Việt Nam không những ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam thì Chính phủ phải can thiệp ngay, dùng các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp trong nước.

Các cơ quan chức năng cần sớm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cần thiết để giải quyết và kiểm soát khối lượng hàng hóa; sát sao trong phòng chống buôn, nhập lậu hàng hóa và các đội quản lý thị trường cần siết chặt việc tổ chức theo dõi, giám sát địa bàn. Cùng với đó các doanh nghiệp Việt Nam cần đồng hành cùng Nhà nước trong quá trình đối phó với những biến động xấu đến từ cuộc Căn thẳng thương mại Mỹ-Trung. Doanh nghiệp cũng cần tăng cường chất lượng hàng hóa, đa dạng về hình thức, mẫu mã, với giá cả phù hợp để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

  1. Có quan điểm cho rằng, hãy để cho thị trường điều chỉnh bởi người dân sẽ là người được hưởng lợi. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Trả lời:

Việt Nam, từ giai đoạn đầu của cuộc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã được dự báo là một trong số ít thị thường hưởng lợi trong ngắn hạn. Tuy nhiên nếu “cơn bão” này kéo dài thì tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Tác động của cuộc chiến đầu tiên đến kinh tế toàn cầu ngắn hạn là thị trường chứng khoán biến động mạnh theo hướng tiêu cực. Tác động tiếp theo liên quan đến tỉ giá. Việc xuống giá của đồng NDT (từ 6,73 NDT/USD lên 6,92 NDT/USD) là phản ứng của thị trường, điều đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự mất giá của VNĐ.

Trước những diễn biến phức tạp của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nói riêng và của tình hình khu vực, thế giới nói chung, trong thời gian qua, thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có điều hành linh hoạt, kịp thời, đặc biệt là đối với các vấn đề về điều hành tỷ giá, lãi suất, xử lý các vấn đề về thương mại, thị trường, phòng vệ thương mại…

Các mặt hàng Trung Quốc bị đánh thuế cao rất có thể Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu Việt Nam theo con đường chính thức hay không chính thức. Thị trường kinh tế Việt Nam thay đổi một phần từ cung cầu của người dân, nếu người dân đồng tăng dùng sản phẩm trong nước, giảm thiểu dùng sản phẩm nhập khẩu thì sẽ góp phần “cứu” sản phẩm trong nước, doanh nghiệp trong nước trong cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời người dân tích cực tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc phòng chống hàng giả, hàng nhập khẩu lậu.

  1. Theo ông, việc bảo vệ thị trường trong nước đối với lĩnh vực này có khó không? Để làm được điều này cần hội tụ những yếu tố nào?

Trả lời:

Đối với lĩnh vực sản xuất sứ, vòi sen việc bảo vệ thị trường này là tương đối khó. Tại thời điểm này, trong khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn đang diễn ra, Chính phủ ưu tiên bảo vệ các mặt hàng đang bị tác động nhiều hơn như nông sản, gỗ,… Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục là bạn hàng lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam vì lý do địa lý. Cùng với đó mô hình hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện. các khu thương mại biên giới thường thô sơ và thiếu cơ sở hạ tầng.

Để bảo vệ thị trường, các sản phẩm trong nước thuộc lĩnh vực này trước tiên các doanh nghiệp cần phải tiếp tục đổi mới và cải thiện sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Đồng thời các cơ quan có thẩm quyền sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bảo vệ sản phẩm của mình. Cũng không thể quên vai trò của người dân trong việc bảo vệ sản phẩm trong nước.

Chính phủ cũng nên đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro cho sản phẩm và doanh nghiệp trong nước. Cần tạo một khung hợp tác tốt hơn với Trung Quốc để đôi bên cùng có được lợi ích tối đa từ thương mại xuyên biên giới. Việt Nam cũng  nên tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và tăng tốc quá trình tái cấu trúc ngành công thương.

Nói tóm lại để bảo vệ thị trường trong nước đối với các lĩnh vực sản xuất sứ, vòi sen nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung thì cần sự đồng nhất hành động từ Trung ương đến Địa phương, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất, từ Chính phủ đến toàn dân.