Cuộc chiến của taxi truyền thống trong thời công nghệ

0
549

Việc nhiều xe taxi của hãng taxi truyền thống dán decal sau xe với khẩu hiệu phản đối Uber, Grab trong những ngày đầu tháng 10 đang trở thành tâm bão dư luận.

Dưới góc nhìn của Luật Canh Tranh 2004, có thể thấy rằng hãng taxi truyền thống đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể là vi phạm Điều 43 luật này.

Điều 43 Luật Cạnh Tranh 2004, quy định: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.

Theo đó, việc hãng taxi truyền thống đưa ra thông tin “Đề nghị Grab hay Uber phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” ám chỉ hai doanh nghiệp đang được nhắc đến vi phạm pháp luật là một hành vi trực tiếp đưa ra thông tin không trung thực, bởi vì chưa có kết luận chính thức nào của cơ quan nhà nước cho rằng Grab hay Uber vi phạm pháp luật. Thông tin sai lệch như trên có thể gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và hoạt động kinh doanh của Grab và Uber. Bản chất hành vi này là gièm pha doanh nghiệp khác.

Theo Điều 117, Luật Canh Tranh, với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh hãng taxi truyền thống có thể phải chịu một trong các hình thức xử phạt như sau: a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hãng taxi truyền thống còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: a) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Đồng thời, theo Điều 31 Nghị định 71/2014/NĐ-CP, hành vi gièm pha doanh nghiệp khác phải chịu phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối hành vi trực tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

Do đó, nếu hãng taxi truyền thống cho rằng mình bị xâm phạm quyền lợi thì có thể kiện ra tòa hoặc trọng tài, nhưng cách xử lý hiện nay của hãng không chỉ xâm phạm Luật Cạnh Tranh, bị xử phạt hành chính mà còn gây ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín và hình ảnh của hãng taxi truyền thống trong mắt người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của pháp luật về điều kiện kinh doanh, có thể thấy rằng điều kiện kinh doanh vận tải taxi của hãng taxi truyền thống khắt khe hơn hẳn so với điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng của Grab và Uber.

Theo Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 86/2014/NĐ-CP, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT, thì Vinasun phải đáp ứng rất nhiều điều kiện từ điều kiện chung đến điều kiện chi tiết. Ngoài các điều kiện chung mà bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào muốn tham gia kinh doanh vận tải hành khách phải tuân thủ, thì kinh doanh theo hình thức taxi phải đáp ứng thêm các điều kiện như: số lượng chỗ ngồi trong xe taxi (9 chỗ ngồi trở xuống kể cả lái xe); niên hạn sử dụng của xe taxi; phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì; phải đăng ký và thực hiện sơn biểu trưng và số điện thoại giao dịch; phải có trung tâm điều hành, duy trì hoạt động của trung tâm điều hành với lái xe, đăng ký tần số liên lạc và có thiết bị liên lạc giữa trung tâm với các xe thuộc đơn vị, phải có số xe tối thiểu là 10 xe; riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có số xe tối thiểu là 50 xe; có điểm đón, trả khách, điểm đỗ xe taxi.[1]

Trong khi đó, Quyết định 24/QĐ-BGTVT do Bộ Giao Thông Vận Tải ban hành phân chia loại hình kinh doanh vận tải của Grab và Uber là vận tải theo hợp đồng, theo đó ngoài các điều kiện chung, các điều kiện dành cho loại hình kinh doanh này “dễ thở” hơn nhiều, mặc dù hãng taxi truyền thống, Grab hay Uber bản chất đều kinh doanh vận tải taxi.

Như vậy, có thể thấy rằng, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh này có nguồn gốc, mầm mống xuất phát từ điều kiện cạnh tranh không công bằng. Do đó, việc phân chia loại hình kinh doanh vận tải hiện nay là chưa phù hợp và cần xem xét lại.

[1] (TBKTSG Online) – http://www.thesaigontimes.vn/165595/Cuoc-chien-taxi-Goc-nhin-ve-dieu-kien-kinh-doanh.html – Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Hằng, truy cập ngày 21/10/2017