Tư vấn điều kiện để được cấp phép cải tạo nhà ở

0
367

Câu hỏi: Gia đình tôi sinh sống ở Hà Nội từ nhiều đời, căn nhà đang ở cũng xây dựng từ những năm 75 đến nay đã xuống cấp. Do nhu cầu sử dụng nên chúng tôi muốn xin cấp phép để cải tạo lại căn nhà bởi nhà tôi hiện nay có đến 3 thế hệ mà nhà quá chật hẹp và xuống cấp. Khi tôi xin phép ở phường thì uỷ ban nhân dân phường nói gia đình tôi không được phép cải tạo. Vậy cho tôi hỏi: Điều kiện được cải tạo nhà cũ là như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 87 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định về cải tạo nhà ở như sau:

“Điều 87. Cải tạo nhà ở

1. Chủ sở hữu nhà ở được cải tạo nhà ở thuộc sở hữu của mình; người không phải là chủ sở hữu nhà ở chỉ được cải tạo nhà ở nếu được chủ sở hữu đồng ý.

2. Việc cải tạo nhà ở phải thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng; trường hợp pháp luật quy định phải lập dự án để cải tạo nhà ở thì phải thực hiện theo dự án được phê duyệt. Đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì việc cải tạo nhà ở còn phải thực hiện theo quy định tại Điều 90 của Luật này.

3. Đối với nhà ở quy định tại khoản 1 Điều 79 của Luật này thì việc cải tạo còn phải tuân theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc, quản lý di sản văn hóa; trường hợp pháp luật có quy định phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trước khi cải tạo thì chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà ở phải thực hiện theo văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

4. Đối với nhà biệt thự cũ thuộc danh mục quy định tại khoản 1 Điều 79 của Luật này thì còn phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu của nhà biệt thự;

b) Không được phá dỡ nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh; trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại thì phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của nhà biệt thự cũ;

c) Không được tạo thêm kết cấu để làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài nhà biệt thự”.

Tuy nhiên theo thông tin bạn cung cấp, nhà bạn đang ở hiện nay đã xây dựng từ những năm 75 đến nay đã xuống cấp. Khi cơ quan có thẩm quyền cấp phép cấp giấy chứng nhận thì đã qua thẩm định, nếu nhà bạn đã xuống cấp không thể tiến hành cải tạo thì phải xem xét phá dỡ để tránh trường hợp nhà không đủ điều kiện cải tạo mà cố tình thi công gây ảnh hưởng đến các hộ xung quanh đồng thời không đảm bảo an toàn cho chính gia đình bạn.

Căn cứ Điều 92 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định về các trường hợp nhà ở phải phá dỡ như sau:

“1. Nhà ở bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng đã có kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở hoặc trong tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai.

2. Nhà ở thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật này.

3. Nhà ở thuộc diện phải giải tỏa để thu hồi đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Nhà ở xây dựng trong khu vực cấm xây dựng hoặc xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

5. Nhà ở thuộc diện phải phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng”.

Theo đó, bạn nên tìm đến cơ quan có thẩm quyền để xin phép thẩm định lại, nếu phù hợp thì có thể xin cấp phép cải tạo lại căn nhà của mình, còn nếu không đủ điều kiện mà buộc phải phá dỡ rồi xây lại thì bạn hãy lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện gia đình để đảm bảo an toàn cho các thành viên khác cũng như các hộ xung quanh.