Khả năng dẫn đến tranh chấp giữa tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp

0
642

Có rất nhiều khả năng dẫn đến tranh chấp giữa tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp. Đó có thể là do các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hoặc do công tác quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc do trình độ hiểu biết chưa cao về sở hữu trí tuệ của người có quyền đăng kí bảo hộ đối tượng sở hữu trí tuệ.

Trước hết, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp đang là bài toán hóc búa cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ thì cũng rất đa dạng, có thể kể tới các hành vi sau đây:

– Một người không hề sáng tạo ra tác phẩm mỹ thuật ứng dụng nhưng lại đi lấy toàn bộ hay một phần tác phẩm của người khác rồi đề tên của mình vào vị trí tác giả và sử dụng nó như một kiểu dáng công nghiệp, và ngược lại.

– Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm mỹ thuật ứng dụng dưới mọi hình thức nào tạo thành kiểu dáng công nghiệp gây phương hại đến uy tín và danh dự của tác giả, và ngược lại.

– Các hành vi sao chép biến tác phẩm mỹ thuật ứng dụng thành kiểu dáng công nghiệp và thực hiện các hành vi sản xuất, phân phối, trưng bày, xuất nhập khẩu mà không được phép của tác giả, và ngược lại.

Thứ hai, những khiếm khuyết của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong công tác quản lý cũng khiến tình trạng tranh chấp gia tăng hơn.

–  Thời hạn thẩm định nội dung của kiểu dáng công nghiệp không quá 7 tháng, cho tới khi nhận được văn bằng bảo hộ cũng 12 tháng hoặc lâu hơn nữa nếu có sự phản đối của xét nghiệm viên hoặc phản đối trước khi đăng kí kiểu dáng. Thời gian lâu như vậy, trong khi tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp lại đăng kí ở hai cơ quan khác nhau khiến cho việc quản lý và kiểm tra gặp nhiều bất lợi. Việc kiểu dáng công nghiệp đến ngày nhận bằng độc quyền thì biết có tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có kiểu dáng trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn đã được bảo hộ (hoặc ngược lại) là điều có thể và thực tế là có nhiều.

– Ở Việt Nam, nhiều kiểu dáng công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ mặc dù không có tính sáng tạo nhiều như: các loại bao bì của sản phẩm (bao gói kẹo, bao gói mì ăn liền, vỏ hộp thuốc), nhãn dán trên một số sản phẩm…Chính sự bảo hộ kiểu dáng công nghiệp một cách dễ dàng này làm cho các kiểu dáng không có khả năng phân biệt cao nên cũng dễ dẫn đến tình trạng tranh chấp.

Cuối cùng, tranh chấp cũng xuất phát từ chính những người có quyền đăng kí bảo hộ do sự thiếu am hiểu về vấn đề sở hữu trí tuệ. Người có quyền đăng kí khi mang một kiểu dáng đi đăng kí không biết nên chọn cơ quan đăng kí nào cho thích hợp, kiểu dáng của mình sẽ được bảo hộ theo cơ chế nào sẽ tạo được lợi ích kinh doanh cao hơn. Họ chỉ nghĩ rằng đã được bảo hộ thì sẽ an toàn trước các hành vi cạnh tranh và hành vi thương mại. Ngoài ra, người đăng kí còn rất hạn chế trong việc tìm hiểu các kiểu dáng đang được bảo hộ và bảo hộ theo cơ chế nào, phương tiện tìm hiểu cũng là một trở ngại của họ. Thông tin hạn hẹp khiến cho việc bảo hộ đã xảy ra rồi mới ngỡ ngàng đưa nhau ra tranh chấp. Điều 112 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về ý kiến của người thứ ba về cấp văn bằng bảo hộ, tức là liên quan tới việc người thứ ba có ý kiến với cơ quan nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ với đơn đăng kí đó. Đó là một quyền lợi cho bất cứ một cá nhân nào, đặc biệt là với các doanh nghiệp, nhưng xem ra vẫn chưa được chú trọng triệt để.