Lịch sử của nhãn hiệu

0
804

Ngày nay, trong cuộc sống hàng ngày khái niệm nhãn hiệu hàng hóa (trademark) không còn trở nên xa lạ đối với các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Nhưng để có được nhãn hiệu hàng hóa và khẳng định được vai trò ý nghĩa của nó thì có thể nói đó là cả một lịch sử.

Theo nghiên cứu và tìm hiểu của các nhà khảo cổ học thì cách đây khoảng 5000 năm trước công nguyên, người nguyên thủy đã sử dụng những biểu tượng, ký hiệu riêng của mình để đánh dấu lên sườn các con vật để khẳng định quyền sở hữu của mình.

Điều đó chứng tỏ ngay từ thời cổ đại con người cũng đã biết dùng những ký hiệu để thể hiện quyền làm chủ của mình đối với tài sản, vật phẩm của mình.

Như vậy là nhãn hiệu đã có sự manh nha từ rất lâu, tuy nhiên nó vẫn còn ở mức độ sơ khai.

Chỉ đến thời kỳ phát triển mạnh mẽ của nền sản xuất hàng hóa thì nhãn hiệu mới thực sự ra đời và phát triển nhanh chóng. Khi nền sản xuất hàng hóa phát triển, lượng hàng hóa khổng lồ khiến thị trường trở nên phong phú, đa dạng các mặt hàng, nhiều người cùng sản xuất ra một mặt hàng dẫn đến sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất và các thương nhân.

Đối với người tiêu dùng, giữa các sản phẩm hàng hóa này lại không có sự khác nhau về chất lượng, giá trị hay hình thức bên ngoài nên họ rất khó khăn trong việc lựa chọn hàng hóa mình ưa thích. Từ đó nảy sinh một đòi hỏi là cần phải có dấu hiệu riêng cho từng loại hàng hóa đối với từng đơn vị sản xuất khác nhau nhưng có cùng một chủng loại hoặc có tính chất tương tự.

Trước đòi hỏi của thực tế khách quan này, các nhà sản xuất đã nghĩ ra cách để phân biệt, nhận biết hàng hóa nhanh nhất là trên mỗi loại hàng hóa phải có tên gọi cụ thể hoặc các nhãn hiệu.

Khi mới ra đời nhãn hiệu hàng hóa đơn giản chỉ nhằm mục đích phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại giữa các nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau tuy nhiên càng về sau người ta càng nhận ra nhãn hiệu hàng hóa còn mang lại nhiều quyền lợi cho nhà sản xuất.

Vì cũng trong thời kỳ này, quảng cáo, tiếp thị bắt đầu được coi trọng. Có thể thấy rằng uy tín của người sản xuất được thể hiện ngay trên nhãn hiệu của họ.

Mặt khác, nhãn hiệu hàng hóa cũng giúp người tiêu dùng tiến hành lựa chọn dễ dàng hàng hóa mà mình thích. Chính nhờ nhãn hiệu hàng hóa mà đã làm tăng giá trị cho hàng hóa.