Nguyên nhân của các tranh chấp tên miền quốc gia.vn

0
449

Khi một chủ thể phát hiện chủ thể khác sở hữu tên miền có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì tranh chấp tên miền sẽ xảy ra.

Trong thời đại thương mại điện tử, tên miền thường được chủ sở hữu đặt theo tên doanh nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ hoặc thông tin, xúc tiến thương mại.

Ngoài ra, việc đăng ký tên miền trùng tên thương mại, nhãn hiệu thực chất là hành động bảo vệ công việc kinh doanh của mỗi chủ thể, tránh tình trạng tên thương mại, nhãn hiệu của mình bị một chủ thể khác lợi dụng đăng ký tên miền trước.

Sau đây là những nguyên nhân cơ bản gây ra những tranh chấp tên miền:

 1. Nguyên tắc duy nhất của tên miền

Tên miền hoạt động trên nguyên tắc duy nhất –  tức là 2 chủ thể khác nhau không thể cùng có 1 tên miền giống nhau, trong khi các đối tượng sở hữu công nghiệp rất đa dạng và thường trùng lặp giữa các quốc gia, nền kinh tế hoặc vùng lãnh thổ. Chính tình trạng này dẫn đến hiện tượng nhiều chủ thể cùng xin đăng ký một tên miền ở những thời điểm khác nhau.

 2. Tính đa dạng và cạnh tranh cao của môi trường thương mại

Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt, nhiều chủ thể kinh doanh đã tiến hành đăng ký trước những tên miền mà theo sự tính toán của họ, trong tương lai sẽ có chủ thể đăng ký. Khi có đối tượng cần đăng ký, chủ thể kinh doanh này sẽ bán lại để thu lợi. Hiện tượng này được gọi là “đầu cơ tên miền”.

Có một dạng khác là các chủ thể kinh doanh đăng ký trước tên miền của các đối thủ cạnh tranh trên thương trường của mình nhằm gây khó khăn cho công việc kinh doanh và công tác tiếp thị của họ. Hiện tượng này thường được biết đến với tên gọi “chiếm dụng tên miền”. Nhiều tên miền có lợi thế kinh doanh trên Internet thường bị chiếm dụng và đầu cơ. Theo số liệu tại hội thảo, tên miền Business.com có giá trị chuyển nhượng 7,2 triệu USD, AsSeeOnTV – 5,2 triệu USD và Men.com là 1,3 triệu USD (tính tại thời điểm tháng 2/2004).

3. Những bất cập trong các quy định đăng ký, cấp phát tên miền  quốc gia.vn của VNNIC

Trong Chương II, Điều 2 của Thông tư 09/2008/TT-BTTTT quy định nguyên tắc đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam .vn có các quy định như sau:

 3.1. Tên miền . vn được đăng ký tại các Nhà đăng ký tên miền “.vn” theo nguyên tắc bình đẳng, không  phân biệt. Tổ chức, cá nhân đăng ký trước được quyền sử dụng trước.

Theo như quy định trên, những tổ chức, cá nhân không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại cũng có thể đăng ký tên miền chứa thành phần liên quan đến các đối tượng sở hữu công nghiệp ấy, miễn sao tên miền này chưa được ai đăng ký trước đó. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc trục lợi tên miền, thể hiện dưới hai xu hướng hoặc là hiện tượng “đầu cơ tên miền” (domain name spetulation) hoặc là “chiếm dụng tên miền” (domain name cybersquatting).. Nếu đầu cơ tên miền thường nặng tính cơ hội, thì chiếm dụng tên miền thường gây ra tranh chấp với nhiều xung đột.

 

Tên miền của các công ty nổi tiếng được đăng ký bởi

ông L.G.K – giám đốc Công ty TNHH G.H.

bmw.com.vn
ibm.com.vn
3com.com.vn
isuzu.com.vn
niit.com.vn
tcl.com.vn

Một số tên miền liên quan đến tên chung của các ngành

được các cá nhân đăng ký.

tintuc.com.vn
car.com.vn
edu.com.vn
oto.com.vn
finance.com.vn
medicine.com.vn
thuonghieu.com.vn
bank.com.vn
chungkhoan.com.vn

 

3.2. Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” không nằm trong đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ

Do đó dãy ký tự hoặc ký tự là nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại nằm trong cấu trúc tên miền nếu chỉ đăng ký bảo vệ trên mạng sẽ không được bảo vệ trên thực tế và ngược lại, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại nếu chỉ đăng ký bảo hộ trên thực tế cũng sẽ không được bảo vệ trên mạng nếu không đăng ký chúng trong tên miền.

Theo quan điểm của VNNIC, tên miền chỉ là tên định danh địa chỉ Internet (IP) cho các máy chủ trên mạng và tên miền không được xem là đối tượng được bảo hộ theo Luật SHTT. Quan điểm này chưa hẳn đúng.

Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh mạnh mẽ cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, quy định này của VNNIC đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Việc các cá nhân, tổ chức vô tình hay hữu ý sở hữu một tên miền trùng với các nhãn hiệu, tên thương mại đang được bảo hộ trên thực tế, sẽ gây nhầm lẫn cho những người tiêu dùng khi truy cập Internet. Và những lần truy cập “nhầm” địa chỉ này cũng sẽ đem lại những lợi ích nhất định cho chủ tên miền.

Thứ nhất, website của họ được quảng bá đến mọi người sau mỗi lần truy cập nhầm. Thứ hai, số lượng truy cập tăng, lợi nhuận thu được từ website của họ cũng tăng lên. Thứ ba, đối với những chủ sở hữu tên miền hoạt động thương mại, kinh doanh trong cùng lĩnh vực, cùng khu vực với chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại thì sự nhầm lẫn này còn đem đến những hậu quả khó lường, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại liên quan.

Bên cạnh đó, quy định này của VNNIC còn có sự mâu thuẫn đối với các quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ:

– Điều 130, Luật SHTT cấm hành vi: “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng”.

Luật không xếp tên miền vào đối tượng SHTT được bảo hộ. Nhưng điều luật nghiêm cấm hành vi đăng ký – chiếm giữ – sử dụng tên miền trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại đã được bảo hộ. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn thể hiện rõ khi chủ sở hữu tên miền, nhưng không có quyền lợi nào liên quan đến tên miền đăng ký.

– Quy định tại Điều 124.5: “Hành vi sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh; Hoặc hành vi lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ”.

– Quy định tại Điều 124.6: “Sử dụng tên thương mại là việc thực hiên hành vi nhằm mục đích thương mại bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiệ tên thương mại trong các giấy tờ giao dịch, biểu hiện, sản phẩm, hàng hóa, bao bì hàng hóa và phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo”.

– Điều 129, Luật SHTT xác định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại là:

+ “Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

 + Sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó”.

Không nên máy móc đợi tên miền là đối tượng SHTT, mới xét đến khía cạnh bảo hộ quyền sở hữu. Theo như các quy định trên của Luật SHTT, bất kỳ hành vi nào có sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại (Điều 124) và việc sử dụng này bị xác định là hành vi xâm phạm quyền đối với  nhãn hiệu, tên thương mại (Điều 129) đều là xâm phạm. Do đó, việc sử dụng tên một nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ để đăng ký tên miền là hành vi phạm pháp luật.

Quan điểm của VNNIC về vấn đề cấp phát, quản lý tên miền “ai đăng ký trước được cấp trước“ và “bình đẳng không phân biệt” dễ phát sinh tranh chấp, gây xung đột giữa quy định của bộ, ngành với quy định pháp Luật SHTT. Thực tế, nguyên tắc trên chỉ là phần nhỏ trong nhiều nguyên tắc khác theo quy định của ngành cũng như quy định pháp luật khác mà lẽ ra VNNIC phải vận dụng khi giải quyết việc cấp phép hoặc giải quyết tranh chấp tên miền.

Trong Quyết định số 27/2005/QĐ-BBCVT, ngày 11-8-2005 của Bộ Bưu chính – Viễn thông có nhiều nguyên tắc áp dụng cho việc đăng ký, khai thác tên miền hơn chỉ vỏn vẹn hai nguyên tắc mà VNNIC viện dẫn. Đây có lẽ là nguyên cớ dẫn đến hệ lụy như thời gian qua.

Trường hợp liên quan tên miền heineken.vn, Tập đoàn quốc tế Heineken là bên có quyền, lợi ích hợp pháp đối với nhãn hiệu heineken. Khi xét thấy việc chiếm dụng tên miền của bất kỳ chủ thể nào có xâm phạm đến lợi ích của chủ nhãn hiệu, thì VNNIC có thể ngăn chặn bằng cách bác đơn, hủy bỏ hoặc tạm thời hủy bỏ tên miền khi có tranh chấp, khiếu nại bằng cách áp dụng quy định tại Điều 8 (c) Quyết định 27 trên.

Theo đó, “tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng tên miền phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về mục đích và tính chính xác của thông tin cung cấp cho VNNIC và bảo đảm việc đăng ký, sử dụng tên miền không xâm phạm các quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác có trước ngày đăng ký”.

Trường hợp trên, VNNIC không phải là không nhận định được nhãn hiệu Heineken thuộc sở hữu của ai, bằng chứng là VNNIC tự ra thông báo cho chủ nhãn hiệu này, nhưng vì không thấy có sự phản hồi xác nhận sẽ đăng ký. VNNIC đã tự quyền cấp cho tổ chức khác không phải là chủ nhãn hiệu. Mặc dù nhận thấy có bất ổn trong việc cấp phát tên miền trùng thương hiệu nổi tiếng, đã được bảo hộ, nhưng VNNIC vẫn cấp và thu phí “bình đẳng không phân biệt”. Cách áp dụng máy móc trên không tạo ra sự bình đẳng, mà gần như là “đánh đồng, cào bằng” giữa bên sở hữu thương hiệu uy tín, hợp pháp với một bên chuyên tâm trục lợi thương hiệu.

 

Xem xét Điều 130 Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, Luật chỉ ngăn cấm hành vi chiếm giữ tên miền “lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng”. Nhưng để xác định một chủ sở hữu tên miền có mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc gây thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của chủ sở hữu đối tượng công nghiệp rất khó khăn. Trong nhiều vụ tranh chấp tên miền có liên quan đến tên nhãn hiệu, tên thương mại, các tổ chức, cá nhân phải tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để giành được quyền lợi chính đáng của mình. Và không phải bất kỳ vụ tranh chấp nào, bên khiếu kiện cũng thành công, điển hình có các vụ ebay.com.vn; ibm.com.vn;…

 3.3. Quy định về đăng ký tên miền chung một ngành kinh tế, chủng loại hàng hoá, sản phẩm, tên các loại dược phẩm

Hiện nay, do chưa có quy định cụ thể trong việc đăng ký tên miền chung nên vẫn còn tình trạng nhiều người đã lợi dụng chiếm tên miền chung một ngành kinh tế, chủng loại hàng hoá, sản phẩm, tên các loại dược phẩm thành cái riêng của họ. Có thể kể đến các tên miền như medicine.vn, oto.com.vn.

Rõ ràng, thuốc (medicine) do ngành dược quản lý, ôtô do ngành công nghiệp nặng quản lý, một cá nhân hay tổ chức bất kỳ không thể lấy luôn để đăng ký làm tên miền của mình được. Chỉ có các cơ quan chủ quản từng ngành mới có thể đăng ký tên miền chung và sau đó có quy chế để sử dụng tên miền chung này cho các đối tượng khác, nhằm đảm bảo tính thống nhất và để tất cả mọi người đều được sử dụng các tên miền chung này.

Như vậy, để tránh được những tranh chấp liên quan đến tên miền, chúng ta cần phải có những quy định về đăng ký, cấp phát và sở hữu tên miền phù hợp hơn với thực tiễn phát triển kinh tế Việt Nam.