Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu lao động

0
414

Mời Quý vị đón đọc bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà, luật sư SBLAW trên truyền hình Netviet về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Nguồn nhân lực Việt Nam vốn nổi tiếng trên thế giới về sự chăm chỉ và kiên trì, vì vậy trong thời gian tới tôi muốn về Việt Nam mở công ty kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Tôi muốn biết những thủ tục liên quan đến lĩnh vực này.

Câu hỏi: Điều kiện để thành lập một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu lao động?

Trả lời: Căn cứ Điều 8 và Điều 9 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động và các Điều 2, 3, 4 của Nghị định số 126/2007/NĐ-CP thì điều kiện để thành lập Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài gồm 04 điều kiện sau:

  • Doanh nghiệp phải có vốn pháp định tối thiểu là 5 tỷ đồng;
  • Phải có tài khoản ký quỹ tại Ngân hàng Thương mại nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính là 1 tỷ đồng;
  • 100% Vốn Điều lệ của Doanh nghiệp là của các tổ chức cá nhân Việt Nam;
  • Và được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Câu hỏi: Khi mà đưa lao động ra nước ngoài làm việc, tôi muốn thực hiện việc đào tạo các lao động này theo nghiệp vụ từng loại hình công việc, vậy tôi có phải xin giấy phép đào tạo hay không? Và tôi có được phép thu học phí của các học viên này như một lợi nhuận của doanh nghiệp không? Và nếu doanh nghiệp không đủ năng lực đào tạo có được phép ký kết với các bên đào tạo trong nước khác không? VD: đào tạo ngoại ngữ

Trả lời: Điểm d, Khoản 2 Điều 27 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ có nghĩa vụ: “tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tổ chức hoặc liên kết cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo để dạy nghề, bổ túc tay nghề, ngoại ngữ cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu của từng thị trường lao động”.

Như vậy, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đào tạo hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để dạy nghề và ngoại ngữ cho người lao động.

Trường hợp doanh nghiệp tự mình thực hiện việc đào tạo nghề thì cần đăng ký hoạt động giáo dục và chỉ được tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi đã được cấp GCN đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Điều kiện để doanh nghiệp được cấp GCN đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp được quy định cụ thể, chi tiết tại Khoản 1, Điều 19 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

Doanh nghiệp được phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ được phép thu phí của học viên. Dù có đủ điều kiện và năng lực để đào tạo nghề cho NLĐ hay không thì các doanh nghiệp vẫn có quyền liên kết với cơ sở đào tạo khác, kể cả cơ sở trong nước và nước ngoài, để đào tạo nghề cho người lao động.

Câu hỏi: Khi tôi đưa các chuyên gia về giảng dạy và đưa những mô hình máy móc về để cho học viên thực hành thì tôi phải thực hiện thủ tục gì cho đúng pháp luật?

Trả lời: Về mặt điều kiện đối với việc đưa các chuyên gia về giảng dạy, doanh nghiệp cần đảm bảo các chuyên gia này đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, trình độ chuẩn để được đào tạo NLĐ theo quy định tại Khoản 4 Điều 53 và Điều 54 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

Trong đó, 04 điều kiện cơ bản để trở thành nhà giáo trong doanh nghiệp được cấp GCN đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp là:

  • Có phẩm chất, đạo đức tốt;
  • Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn và nghiệp vụ;
  • Có đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp;
  • Và phải có lý lịch rõ ràng.

Về mặt thủ tục, để đưa các chuyên gia nước ngoài về giảng dạy, đào tạo nghề cho NLĐ thì doanh nghiệp cần làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho các chuyên gia này.

Nếu doanh nghiệp đưa những mô hình máy móc về để học viên thực hành thì các mô hình máy móc này phải không thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu; trường hợp là máy móc đã qua sử dụng thì phải tuân thủ các điều kiện do Bộ KHCN quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Về thủ tục thì doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan để được nhập khẩu các mô hình máy móc từ nước ngoài về Việt Nam để phục vụ công tác đào tạo nghề cho NLĐ.

Câu hỏi: Khi đưa lao động đi nước ngoài làm việc thì tôi phải thực hiện hợp đồng gì với đối tác và với người lao động không? Trong trường hợp, hợp đồng với đối tác nước ngoài bị ngừng hoặc gặp sự cố thì tôi có được phép ngừng hợp đồng với người lao động trong nước không? Và doanh nghiệp có phải đền bù gì không? Làm sao để giảm thiểu rủi ro?

Trả lời: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc cần phải ký Hợp đồng cung ứng lao động với bên nước ngoài, ký Hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với NLĐ và ký Hợp đồng bảo lãnh với người bảo lãnh trước khi NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Hiện tại, chưa có quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh sự kiện pháp lý như bạn hỏi là: đối tác nước ngoài ngừng thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động thì dẫn tới những hậu quả pháp lý nào của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Như vậy, trường hợp này sẽ căn cứ vào nội dung Hợp đồng giữa các bên để xác định hậu quả pháp lý.

Căn cứ theo Điều 17 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2014 quy định về nội dung của Hợp đồng cung ứng lao động, Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và HĐLĐ đều phải có nội dung thỏa thuận về: điều kiện chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại cùng cùng với điều khoản về giải quyết tranh chấp.

Do đó, khi tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng các bên cần cân nhắc, dự liệu các tình huống phát sinh, xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng để thỏa thuận trước về hậu quả pháp lý, tránh phát sinh xung đột, tranh chấp cũng như giảm thiểu rủi ro về sau.

Ví dụ như câu hỏi của bạn, nếu trong Hơp đồng đưa người lao động đi nước ngoài làm việc được ký kết giữa doanh nghiệp và NLĐ đã có quy định rằng: “HĐ này sẽ tạm ngừng hoặc chấm dứt nếu vì lý do khách quan hoặc các lý do khác không do lỗi của doanh nghiệp mà hợp đồng với đối tác nước ngoài bị ngừng hoặc gặp sự cố phải ngừng hoặc chấm dứt; và đồng thời Hợp đồng cũng có quy định trường hợp này, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ hoặc bồi thường cho NLĐ các khoản tiền nào, với lượng tiền cụ thể là bao nhiêu…” thì các bên sẽ tuân thủ theo đúng Hợp đồng đã giao kết, tức là doanh nghiệp sẽ có quyền tạm ngừng hoặc chấm dứt Hợp đồng, còn NLĐ sẽ được nhận một khoản tiền như Hợp đồng ghi nhận. Nếu Hợp đồng không có thỏa thuận trên thì doanh nghiệp vè NLĐ sẽ phải cùng nhau thỏa thuận để giải quyết.

Như vậy, việc doanh nghiệp có quyền được ngừng HĐLĐ với NLĐ trong trường hợp HĐ cung ứng lao động với đối tác nước ngoài bị ngừng hay không và nghĩa vụ bồi thường cho NLĐ trong trường hợp này là bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung của HĐ đưa người lao dộng đi nước ngoài làm việc đã được hai bên ký kết.

Trường hợp không được quy định trong Hợp đồng, khi xảy ra tranh chấp thì các bên có thể thương lượng, thỏa thuận về phương án giải quyết; trường hợp không đạt được sự đồng thuận, các bên cần phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Để tránh rủi ro và rắc rối, các bên khi lập hợp đồng nên dự liệu trước hậu quả pháp lý của các tình huống phát sinh và quy định rõ trong hợp đồng.

Mời Quý vị xem nội dung phỏng vấn tại đây: