Đăng ký và bảo hộ quyền tác giả đối với bản quyền phần mềm.

0
487

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ công ty luật SBLAW có phần tư vấn cho khán giả truyền hình Netviet-VTC10 về vấn đề đăng ký và bảo hộ quyền tác giả đối với bản quyền phần mềm.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Tôi là một doanh nhân Mỹ gốc Việt tại thung lung Silicon Hoa Kỳ, doanh nghiệp chúng tôi chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm cho doanh nghiệp, tôi muốn về Việt Nam mở công ty cung cấp phần mềm cho các doanh nghiệp, tôi còn đang băn khoăn về việc bảo hộ bản quyền phần mềm tại Việt Nam, vậy tôi có một số câu hỏi như sau:
Câu hỏi: Một doanh nghiệp Hoa Kỳ như tôi có thể mở công ty thiết kế, sản xuất và phát triển phần mềm tại Việt Nam hay không?
Trả lời: Theo quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư và doanh nghiệp, một doanh nghiệp Hoa Kỳ như anh hoàn toàn có thể lập một doanh nghiệp về thiết kế, sản xuất và phát triển phần mềm.
Doanh nghiệp của anh sẽ tìm địa điểm đầu tư tại Việt Nam, sau đó tiến hành thủ tục xin Giấy chứng nhận đầu tư và xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Hiện tại, đối với lĩnh vực sản xuất phần mềm, chính phủ Việt Nam đang có nhiều ưu đãi trong đó có phần ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 4 năm kể từ ngày doanh nghiệp có lãi.
Câu hỏi: Tuy nhiên, tôi muốn hỏi là doanh nghiệp tôi sẽ sản xuất phần mềm, vậy phần mềm theo luật Hoa Kỳ sẽ được bảo hộ dưới dạng sáng chế, còn luật Việt Nam thì sao?
Trả lời: Khác với pháp luật Hoa Kỳ, pháp luật Việt Nam sẽ bảo hộ bản quyền dưới hình thức quyền tác giả chứ không phải là bảo hộ dưới dạng sáng chế như ở Hoa Kỳ.
Với việc bảo hộ dưới dạng quyền tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và tác giả của phần mềm sẽ có thuận lợi hơn trong việc xác lập quyền với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Câu hỏi: Vậy để được bảo hộ quyền tác giả, công ty chúng tôi có phải tiến hành đăng ký với cơ quan nhà nước không?
Trả lời: Theo quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ, đối với những tài sản trí tuệ là bản quyền tác giả như phần mềm máy tính thì không cần phải đăng ký vẫn được nhà nước thừa nhận và bảo hộ.
Điều kiện để được bảo hộ là phần mềm đó là thành quả sáng tạo của các cá nhân sáng tạo ra theo sự đầu tư về tài chính và giao nhiệm vụ của công ty.
Tuy không phải đăng ký, nhưng ở Việt Nam, vẫn tồn tại một cơ quan tiếp nhận và đăng ký quyền tác giả đối với phần mềm máy tính đó là Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ văn hoá, thể thao và du lịch.
Việc đăng ký quyền tác giả đối với phần mềm máy tính để ghi nhận quyền sở hữu của công ty với phần mềm và giúp công ty có thể định giá tài sản sở hữu trí tuệ khi công ty tiến hành M&A hoặc IPO.
Việc đăng ký quyền tác giả cũng góp phần chống lại các hành vi vi phạm quyền của bên thứ 3 vì khi có tranh chấp, với việc có Giấy chứng nhận quyền tác giả thì là bằng chứng ghi nhận chủ thể quyền.
Câu hỏi: Vậy khi đăng ký quyền tác giả thì có phức tạp không và thời gian là bao lâu?
Trả lời: Việc đăng ký quyền tác giả đối với phần mềm máy tính tại Việt Nam là tương đối đơn giản.
Doanh nghiệp chỉ cần chuẩn bị những tài liệu như Bản phân tích thiết kế hệ thống của phần mềm, 02 đĩa CD ghi nhận phần mềm và một số giấy tờ tài liệu lien quan như bản cam kết xác nhận chuyển quyền sở hữu từ tác giả sang cho chủ sở hữu, giấy uỷ quyền nếu nộp thong qua tổ chức đại diện.
Công ty sẽ tiến hành nộp hồ sơ tại Cục bản quyền tác giả và trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì Cục bản quyền tác giả sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền.
Câu hỏi: Vậy khi bản quyền bị xâm phạm thì pháp luật Việt Nam có cơ chế nào để bảo vệ chủ sở hữu?
Trả lời: Theo quy định của pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật Việt Nam có cơ chế để bảo vệ quyền tác giả đối với phần mềm khi phần mềm này bị vi phạm.
Các biện pháp mà pháp luật Việt Nam có quy định như sau:
1. Biện pháp tự bảo vệ: Các doanh nghiệp phần mềm có thể dùng các công cụ kỹ thuật để chống lại hành vi sao chép, hack của bên thứ 3.
2. Biện pháp cảnh báo vi phạm: các doanh nghiệp khi phát hiện hành vi vi phạm cũng có thể trực tiếp hoặc thông qua các luật sư để yêu cầu bên vi phạm ngừng hành vi vi phạm và tiến hành bồi thường các thiệt hại đã xảy ra, cam kết không tái phạm và phải mua bản quyền nếu tiếp tục sử dụng.
3. Biện pháp hành chính: doanh nghiệp cũng có thể yêu cầu cơ quan chức năng chủ yếu là cơ quan thanh tra của Bộ văn hoá thể thao và du lịch hoặc thanh tra các sở văn hoá thể thao và du lịch xuống tiến hành thanh tra các đơn vị vi phạm quyền tác giả, các cơ quan thanh tra có quyền yêu cầu các đơn vi vi phạm ngừng hành vi vi phạm, yêu cầu mua bản quyền nếu tiếp tục xử dụng, đàm phán với chủ thể quyền để bồi thường thiệt hại, theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền lien quan thì cơ quan Thanh tra có quyền xử phạt ở mức tối đa đối với cá nhân vi phạm là 250 triệu đồng và tổ chức vi phạm là 500 triệu đồng.
4. Nếu chủ doanh nghiệp mong muốn bồi thường thiệt hại và quá trình thương lượng bồi thường thiệt hại không thể tiến hành được thì có thể khởi kiện ra toà án để yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế mà doanh nghiệp đã bị thiệt hại và yêu cầu ngừng hành vi, xin lỗi công khai.
5. Biện pháp cuối cùng mà chủ thể quyền có thể sử dụng đó là áp dụng biện pháp hình sự, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi 2009 và sắp tới 1/7/2016, bộ luật hình sư năm 2015 có hiệu lực thì tại Điều 225 Bộ luật này có quy định về tội phạm xâm phạm quyền tác giả có thể phải chịu hình phạt tới 3 năm tù.
Câu hỏi: Tôi vẫn băn khoăn là tại sao Việt Nam đã có cơ chế bảo vệ quyền như thế mà tỷ lệ vi phạm quyền tác giả đối với phần mềm vẫn cao?
Trả lời: Việc vi phạm quyền tác giả đối với phần mềm máy tính ở Việt Nam vẫn cao là do các nguyên nhân sau:
– Việt Nam có nhiều doanh nghiệp nhỏ, do hạn chế về năng lực tài chính nên họ không mua bản quyền dù biết là dung như thế là vi phạm.
– Lực lượng tham gia bảo vệ bản quyền đặc biệt là cơ quan thanh tra còn mỏng so với số lượng doanh nghiệp gần 1 triệu.
– Ý thức tuân thủ pháp luật bản quyền của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.
Tuy nhiên, khi Việt Nam ra nhập TPP thì hy vọng, việc thực thi sẽ được tang cường hơn.

 

Mời Quý vị xem nội dung tư vấn tại đây: