Một năm thực hiện quy định bảo lãnh ngân hàng đối với việc bán nhà hình thành trong tương lai

0
431

Mời Quý vị đón đọc nội dung bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà trên kênh VOV về vấn đề bảo lãnh ngân hàng cho chủ đầu tư bán hành hình thành trong tương lai.

Câu hỏi: Thưa Luật sư, ông đánh giá ra sao về quá trình 1 năm triển khai thực hiện quy định bắt buộc các dự án phải có bảo lãnh của ngân hàng mới được mở bán?

Trả lời: Sau khi luật kinh doanh bất động sản có quy định về vấn đề nêu trên, Ngân hàng nhà nước đã ban hành thong tư 07 hướng dẫn thi hành và cũng đã công bố các ngân hang đủ điều kiện để thực hiện bảo lãnh.

Quy định này thực sự cũng đã đi vào thực tế và đang bảo đảm quyền lợi của người mua nhà tốt hơn.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, nhiều chủ đầu tư cho biết họ rất gặp khó khi xin bảo lãnh từ ngân hàng thương mại, khi mỗi ngân hàng có một quy chuẩn riêng trong việc xác định một chủ đầu tư có hoạt động hiệu quả hay không hay dự án thế nào mới gọi là khả thi. Và để dự án được triển khai thường mất rất lâu.

Câu hỏi: Có thể thấy quy định này là bắt buộc nhưng nhiều chủ đầu tư không thực hiện, vẫn mở bán khi chưa có bảo lãnh. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Trả lời: Nguyên nhân của tình trạng nêu trên đó là nhiều chủ đầu tư chưa đủ điều kiện để có thể mở bán và không thể xin xác nhận bảo lãnh từ phía ngân hàng

Bên cạnh đó, do chủ đầu tư muốn huy động vốn nhanh để có thể tiếp tục triển khai dự án mà bỏ qua các điều kiện theo quy định của luật.

Thêm vào đó, đối với nhà đầu tư, người mua nhà, do tâm lý đầu cơ và đầu tư bất động sản và muốn mua với giá rẻ đã bỏ qua các rủi ro về mặt pháp lý và tiến hành giao dịch khi dự án chưa có bảo lãnh.

Câu hỏi: Ở góc độ pháp luật, ông có đề xuất, kiến nghị gì để quy định về bảo lãnh trong Luật Kinh doanh bất động sản được thực hiện nghiêm túc?

Trả lời: Theo quan điểm của tôi Ngân hàng Nhà nước cần ban một tiêu chuẩn chung về tạo điều kiện dễ hơn trong việc xét duyệt bảo lãnh của một dự án, các Ngân hang thương mại sẽ căn cứ vào các quy định này để có thể xét duyệt dự án nhanh hơn.

Các cơ quan chức năng cũng cần thanh tra, phát hiện kịp thời các dự án khi chưa được bảo lãnh mà vẫn tiến hành mở bán nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua nhà.

Câu hỏi: Liên quan đến 1 số vụ việc liên quan đến các sai phạm của chủ đầu tư gần đây như Thanh Hà Cienco 5, Golden West Lê Văn Thiêm (Hà Nội), và tại thành phố Hồ Chí Minh như Harmona… , có thể thấy khách hàng vẫn gặp nhiều rủi ro khi mua nhà chung cư. Trong khi đó, đã có nhiều chính sách mới ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi người mua nhà. Ông nhận định ra sao về thực tế này?

Trả lời: Các quy định của luật đã bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người mua nhà, tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế lại rất khác biệt.

Có một số chủ đầu tư đã cố tình vi phạm các quy định của luật để tiến hành giao dịch nhằm huy động vốn triển khai dự án.

Vì vậy, để tránh rủi ro, theo quan điểm của tôi, khi mua nhà, người dân cần có sự tư vấn để biết them về những thủ tục pháp lý và rủi ro nếu có.