Chủ đầu tư đã làm thế nào để “qua mặt” cảnh sát phòng cháy chữa cháy?

0
509

Trong bài báo Chủ đầu tư đã làm thế nào để “qua mặt” cảnh sát phòng cháy chữa cháy? đăng trên Vietamfinance có nêu ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW, mời Quý vị đón đọc nội dung tại đây:

(VNF) – Hàng chục chung cư không có bản nghiệm thu phương án phòng cháy chữa cháy thế nhưng vẫn được bàn giao cho cư dân vào ở. Chủ đầu tư đã dùng cách nào để “qua mặt” lực lượng chức năng?

Nhà cửa phủ đầy muội khói sau vụ hỏa hoạn
Nhà cửa phủ đầy muội khói sau vụ hỏa hoạn

“Tiền trảm hậu tấu”

Theo quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP, hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở bắt buộc phải có phương án phòng cháy chữa cháy. Đây cũng là yêu cầu không thể thiếu để Sở Kế hoạch Đầu tư các địa phương trình UBND tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, cũng như sau đó là cấp phép xây dựng.

Điều 16 Nghị định 99 cũng nêu rõ, chỉ khi nào hoàn thành nghiệm thu các nội dung đã được phê duyệt trong hồ sơ dự án, trong đó có phương án phòng cháy chữa cháy thì chủ đầu tư mới được bàn giao nhà cho cư dân.

Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ thì cơ quan công an có quyền kiến nghị yêu cầu chủ đầu tư thực hiện, ra văn bản xử phạt hành chính hoặc nếu vi phạm với mức độ nặng, hay vi phạm nhiều lần có thể ra quyết định yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục.

Quy định đầu đủ và chặt chẽ như vậy nhưng theo báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy & Chữa cháy thành phố Hà Nội, hiện có tới 38 dự án đã đưa vào sử dụng nhưng không có bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, không đảm bảo các điều kiện an toàn về hạng mục này.

Điều gì đã khiến các chủ đầu tư “qua mặt” được cơ quan chức năng để bàn giao nhà cho cư dân?

Một chuyên gia nhà đất (giấu tên) cho biết trên thực tế không có chủ đầu tư nào “qua mặt” được lực lượng cảnh sát. Có điều họ chơi bài “tiền trảm hậu tấu”, bất chấp luật pháp, không cần đến bản nghiệm thu, cứ giao nhà trước cho cư dân để tạo nên “sự đã rồi”. Tốc độ giao nhà cho cư dân càng nhanh thì cơ quan chức năng càng khó khăn trong việc xử phạt và ép chủ đầu tư hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Luật sư Nguyễn Thành Hà, Chủ tịch công ty luật SBLaw, nêu thêm, trong một số trường hợp, chủ đầu tư vẫn tiến hành nghiệm thu, song lại xin “nợ” phương án phòng cháy chữa cháy.

“Luật không cho nợ, nhưng phương pháp hậu kiểm đã cho phép cơ quan chức năng có thể linh động, nhằm tạo điều kiện thời gian cho chủ đầu tư hoàn thiện phương án phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, sau khi được gia hạn, chủ đầu tư đã không thực hiện việc hoàn thiện phương án”.

Cũng theo luật sư Hà, để xảy ra tình trạng này cũng có một phần trách nhiệm của cơ quan phòng cháy chữa cháy khi không quyết liệt trong việc thanh kiểm tra, hậu kiểm đối với chủ đầu tư. “Lẽ ra đối với các trường hợp vi phạm, cơ quan phòng cháy chữa cháy phải cương quyết không cho người dân đến ở, hoặc có cảnh báo, song đôi lúc họ lại nương tay”, luật sư Hà nói.

Làm sao để khắc phục?

Trong kì họp thứ 2, HĐND thành phố Hà Nội, ngày 2/8, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhấn mạnh thành phố sẽ quyết liệt trong việc xử lý các chung cư không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Trường hợp chủ đầu tư không chấp hành thì sẽ cưỡng chế như đối với tòa nhà 8B Lê Trực.

Người đứng đầu thành phố Hà Nội cũng “đe” các chủ đầu tư, nếu không nghiêm túc thực hiện thì sẽ dừng cấp phép đối với các dự án tiếp theo.

Tuy nhiên, theo một số đánh giá, việc thúc ép các chủ đầu tư hoàn thiện các hạng mục phòng cháy chữa cháy hiện nay rất khó, bởi tất cả các chung cư hiện đã đi vào sử dụng với tổng số cư dân lên đến hàng nghìn người.

“Không thể thi công các hạng mục khi có hàng nghìn người đang ở, tuy nhiên, cũng không thể ép cư dân rời khỏi tòa nhà được. Theo tôi được biết, các chủ đầu tư hiện nay đang tính đến phương án xin phép sửa hồ sơ, sao cho vừa đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu về phòng cháy chữa cháy vừa có thể thi công trên thực tế mà không phải đuổi dân ra”, một chuyên gia cho biết.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, ngoài quy định xử phạt hành chính hiện nay (với mức phạt khoảng vài chục triệu đồng), hiện chưa có thêm chế tài nào xử phạt đối với các chủ đầu tư không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Tuy nhiên, luật sư Hà cũng cho biết, gây ra hậu quả nghiêm trọng, chủ đầu tư hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.