Nâng tầm phong trào khởi nghiệp thành một cuộc cách mạng

0
381

Trong bài viết Nâng tầm phong trào khởi nghiệp thành một cuộc cách mạng trên Báo đầu tư có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, mời Quý vị đọc nội dung tại đây:

Với mục tiêu thành lập 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, sau đó nâng dần lên 5 triệu doanh nghiệp trong 5 năm tới (theo VCCI), gấp gần 10 lần so với con số hiện tại, Việt Nam cần một cuộc cách mạng khởi nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp nào để tạo đà cho những người trẻ tham gia khởi nghiệp (startup), với tham vọng tạo nên những doanh nghiệp lớn có quy mô toàn cầu?

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã không ngần ngại chia sẻ: “Chính phủ cần đồng hành, coi mình là nhà ươm, đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu. Chính phủ cần biết doanh nghiệp cần gì, muốn gì để đưa doanh nghiệp khởi nghiệp trở thành hoạt động thực chất, phấn đấu Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp, dù chặng đường còn rất dài”

Thiếu không gian để khởi nghiệp?

Trong khoảng thời gian gần đây, chưa bao giờ câu chuyện về khởi nghiệp nhận được sự quan tâm nhiều đến vậy. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các thông tin về dự án startup luôn được cập nhật thường xuyên và liên tục.

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp diễn ra đầu tháng 4/2016, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ví sự kiện này là “Hội nghị của những kiến nghị”, hội nghị để lắng nghe những chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp. Tại đây, Thủ tướng khẳng định: “Bước sang một giai đoạn phát triển mới, chúng ta đã hành động nhiều, nhưng chưa đủ. Phải thừa nhận môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi”.

Lời khẳng định của người đứng đầu Chính phủ cho thấy, trọng tâm trong giai đoạn phát triển mới, giai đoạn với nhiều đổi thay về tư tưởng và chính sách, giai đoạn của hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới là phát triển khối doanh nghiệp tư nhân và chỉ lĩnh vực tư nhân mới có thể mang lại sự phát triển trong trung và dài hạn của đất nước.

Theo báo cáo tại Hội nghị, sau gần 30 năm kể từ sau khi mở cửa đất nước, khu vực tư nhân đã vươn lên và đóng vai trò là một trong những động lực chính của nền kinh tế. Hiện tại, hơn 500.000 DN tư nhân đang đóng góp hơn 30% ngân sách và 40% GDP của cả nước. Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân cũng đang tạo ra khoảng 90% số việc làm cho toàn xã hội.

Tuy nhiên, việc chỉ có khoảng 528.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên tổng số đăng ký hoạt động là hơn 900.000 doanh nghiệp cho thấy khối này còn vướng nhiều trở ngại. Và thực tế, trong những bài phát biểu gần đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, nòng cốt cho sự phát triển kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển nhanh và bền vững, bên cạnh các thành phần kinh tế khác.

Trong quan điểm của Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân luôn đóng vai trò chính để đẩy nền kinh tế tiến lên. Do đó, các chính sách hỗ trợ cho đối tượng này liên tục được ban hành, đẩy mạnh triển khai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự hỗ trợ vẫn còn chưa đầy đủ, chẳng thế mà khối DN tư nhân lâu nay vẫn luôn bị gắn mác “đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, “nuôi mãi không lớn được”.

Trong một dịp gần đây, người viết tình cờ có cuộc nói chuyện với một doanh nhân rất trẻ, sinh năm 1995, nhưng hiện đã sở hữu một chuỗi cửa hàng ăn nhanh dành cho sinh viên. Vị doanh nhân này chia sẻ về một tinh thần startup đang lên rất cao trong giới trẻ, cũng như cộng đồng doanh nghiệp sau những thông điệp về một “chính phủ kiến tạo” được những người đứng đầu khẳng định.

Bên cạnh đó, vị doanh nhân trẻ cũng nêu lên thực tại khó khăn trong việc kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng nhằm mở rộng doanh nghiệp startup của mình. Vị doanh nhân 9x cho biết, đã tìm và kêu gọi vốn qua nhiều kênh, nhưng đều không thành công vì rất nhiều lý do.

Theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Nội, CEO – người sáng lập Công ty TNHH Thời trang TINOVY, một startup về thời trang nữ đang có tiếng trong thời gian gần đây, việc khó khăn khi huy động vốn không là câu chuyện của riêng ai, mà hầu như của tất cả những doanh nghiệp startup vào thời điểm hiện tại.

Sau hai thế hệ startup với những bước đầu thành công, Việt Nam đang có thế hệ startup thứ ba trẻ trung và sôi nổi hơn. Ngoài lợi thế về sự bùng nổ công nghệ, thị trường mở rộng, tư duy quản lý thông thoáng hơn, thế hệ startup này còn có lợi thế về thị trường khi Việt Nam mở cửa rộng hơn với thế giới qua hàng loạt thỏa thuận tự do thương mại từ Á đến Âu.

Tuy nhiên, điều này chưa phải là điều kiện đủ để người Việt khởi nghiệp. Việt Nam đang có thừa ý tưởng, nhưng lại thiếu một hệ sinh thái bền vững hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp, dẫn đến khó thu hút vốn đầu tư.

“Hệ sinh thái ở đây chính là hệ thống để giúp cho bạn phát triển ý tưởng đi lên, hỗ trợ bạn biến ý tưởng thành những vấn đề có thể thực hiện được, bởi lẽ startup là bắt đầu từ số 0, là chỉ có ý tưởng đột phá và không có gì. Bản thân tôi để xây dựng TINOVY thành một thương hiệu thời trang nội dần được định vị trong lòng khách hàng cũng trải qua rất nhiều khó khăn, thậm chí có lúc tôi từng nghĩ sẽ buông xuôi tất cả. Tuy nhiên, may mắn là tôi đã không bỏ cuộc. Nhờ đó, đã có những nhà đầu tư nhận ra giá trị và sẵn sàng đồng hành để đưa doanh nghiệp bước sang một bước phát triển mới”, bà Nội cho biết thêm.

Phong trào khởi nghiệp cần nâng tầm thành một cuộc cách mạng

Tạo nên làn sóng khởi nghiệp với các dự án startup lớn mạnh, góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp để thay đổi vị thế của quốc gia trên thế giới là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, được những người đứng đầu đất nước đặt ra trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có khoảng 1.500 startup trong cả nước, một con số được coi là quá nhỏ bé so với kỳ vọng mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã từng nhắc tới. Theo đó, trong nghị quyết mới được ban hành của Chính phủ (Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020), Chính phủ đặt mục tiêu cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48 – 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 – 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hằng năm, có khoảng 30 – 35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Theo đánh giá của luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, để thực hiện được Nghị quyết này, Chính phủ cần có thêm những hành động cụ thể, thay việc chỉ ban hành chủ trương qua các văn bản giấy tờ, trong đó cần tập trung cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử; nghiên cứu, đề xuất giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số lĩnh vực; đơn giản hóa và giảm thủ tục về đất đai; giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự…

Bên cạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang hoạt động, phong trào khởi nghiệp cũng cần được nâng tầm thành một cuộc cách mạng, với những chính sách mạnh mẽ và quyết liệt. Hiện tại, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Theo đó, Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp, thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đến năm 2025, hỗ trợ 2.000 dự án, 600 doanh nghiệp khởi nghiệp, 100 doanh nghiệp gọi vốn thành công; thực hiện mua bán, sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

“Cần tạo một cơ chế và chính sách thông thoáng để các startup được sáng tạo, cũng như nhà đầu tư được tự do tìm kiếm cơ hội để đầu tư vào các startup nội địa. Như vậy, cuộc cách mạng startup mới mang được đúng nghĩa của nó”, ông Hà chia sẻ.

Trao đổi tại hội thảo về doanh nghiệp nhỏ và vừa do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng, việc phát động tinh thần quốc gia khởi nghiệp mạnh mẽ từ năm 2016 cần được nuôi dưỡng bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp lớn mạnh về số lượng và chất lượng để nắm bắt cơ hội và tạo động lực chủ yếu thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Các công ty startup sẽ góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp để thay đổi vị thế của Việt Nam trên toàn thế giới”, ông Bình khẳng định.

Còn theo bà Hoàng Thị Nội, cuộc cách mạng khởi nghiệp cần nhấn mạnh đến vai trò của sự chủ động. Trong đó, doanh nghiệp trong cần lựa chọn định hướng là: tạo ra ý tưởng đột phá – khởi nghiệp, tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp để phát triển, đồng thời luôn phải tự thay đổi để vận động theo những biến đổi ngày càng nhanh của thị trường, của môi trường chính sách,…

Việt Dương