Luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch SBLAW có phần trao đổi với phóng viên kênh VITV với nội dung Ký lại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán theo Thông tư 32 của Ngân hàng nhà nước.
Sau đây là nội dung bài phỏng vấn;
Câu 1: Theo thông tư 32/NHNN/2016, thời gian để ngân hàng, thông báo phối hợp với khách hàng thực hiện ký lại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán thay đổi tư cách pháp nhân để phù hợp hơn với thông tư 39 và thông tư 43 là thời hạn 12 tháng kể từ ngày thông tư có hiệu lực. Theo ông khoảng thời gian như vậy đã hợp lý chưa? Có gây khó khăn cho tổ chức không?
Trả lời: Hiện nay theo quy định của Thông tư 32/2016/NHNN thì đối tượng mở tài khoản thanh toán bao gồm các cá nhân đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật và tổ chức là pháp nhân. Như vậy theo quy định này thì những tổ chức không có tư cách pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác sẽ không được mở tài khoản tại các ngân hàng; bên cạnh đó đối với các tài khoản được mở trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành sẽ được xử lý như sau:
“Trong vòng 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, phối hợp với khách hàng hoàn thành việc thực hiện ký lại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán để chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản (nếu khách hàng có yêu cầu)”
Theo tôi 12 tháng được xem là khoảng thời gian hợp lý để các hộ gia đình, tổ hợp tác tiến hành việc chuyển đổi; nghiệp vụ chuyển đổi tài khoản thanh toán thuộc về phía ngân hàng, nếu có khó khăn hay khúc mắc liên quan đến việc ký lại hợp đồng thì các ngân hàng sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với khách hàng của mình.
Câu 2: Trong trường hợp các tổ chức, hộ gia đình không muốn hợp tác, tỏ ra chây lỳ, cần phải có những chế tài như thế nào?
Trả lời: Trên thực tế hiện nay, việc quy định chỉ cá nhân, pháp nhân mới được mở thẻ thanh toán tại ngân hàng là để phù hợp hơn với Thông tư 39/2016/NHNN nói riêng và Bộ luật dân sự 2015 nói chung. Việc lựa chọn hình thức chuyển đối tài khoản thanh toán hay đóng tài khoản là tùy thuộc vào nhu cầu, mong muốn của các đối tượng trên.
Tuy nhiên trong trường hợp các hộ kinh doanh, tổ hợp tác hoặc các tổ chức không có tư cách pháp nhân không muốn hợp tác thì hết thời hạn 12 tháng, các ngân hàng sẽ thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản theo quy định tại Thông tư 32.
Câu 3: Liệu có phương pháp nào để có thể vận động khách hàng một cách hợp lý để công tác chuyển đổi được diễn ra thuận lợi hay không?
Trả lời: Theo quan điểm của tôi thì hiện nay để công tác chuyển đổi được diễn ra thuận lợi thì các ngân hàng cần tạo điều kiện, nhiệt tình hướng dẫn cũng như phối hợp với các hộ gia đình, tổ hợp tác để hoàn thành việc thực hiện ký lại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán. Nếu các thủ tục chuyển đổi được diễn ra dễ dàng, nhanh chóng sẽ tạo tâm lý tốt hơn đối với các khách hàng.