Vấn đề đạo đức ngân hàng

0
377

Luật sư Nguyễn Thanh Hà có phần trao đổi về vấn đề đạo đức ngân hàng trên kênh VITV, sau đây là nội dung bài phỏng vấn;

Câu 1: Thưa ông, vấn đề đạo đức ngân hàng đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm trong thời gian vừa qua của rất nhiều các lãnh đạo lớn của nhiều ngân hàng. Vậy ông có đánh giá sao về tình hình đạo đức ngân hàng hiện nay?

Trả lời: Trong thời gian vừa qua đã phát hiện rất nhiều các vụ “đại án” liên quan đến ngành ngân hàng mà trong đó các tội phạm thực hiện thường là các cán bộ, lãnh đạo lớn của nhiều ngân hàng. Nhóm đối tượng này do được đảm nhận các vị trí, chức trách cao trong ngân hàng nên đã lợi dụng kẽ hở trong việc kiểm tra, kiểm soát để phạm tội.

Vấn đề suy thoái trong đạo đức ngân hàng hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân như công tác tuyển dụng, cơ chế quản lý và giám sát trong nội bộ ngân hàng còn chưa được chú trọng; ngoài ra tại một số ngân hàng hiện tại không tuân thủ nghiêm túc một số trình tự, thủ tục và điều kiện theo quy định…. Việc suy thoái về đạo đức trong hoạt động ngân hàng không chỉ gây thiệt hại về tài chính đối với các cá nhân, tổ chức mà còn có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế của quốc gia.

Câu 2: Những chế tài xử lý có vẻ như chưa thực sự sát thực và còn nhiều lỗ hổng dẫn đến tình trạng trên, theo ông thì bộ máy pháp luật có nên siết chặt lại hoặc có tài chế mới không để có thể khắc phục được tình trạng này?

Trả lời:

Các quy định hiện hành của pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng gồm:

– Nghị định 96/2014/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

– Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Trên thực tế hiện nay, các quy định xử phạt hành chính được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ – CP đã bổ sung thêm một số hành vi vi phạm mới so với Nghị định cũ như các hành vi vi phạm về phòng chống rửa tiền, vi phạm về bảo hiểm tiền gửi, các hoạt động nghiệp vụ như hoạt động ủy thác, nhận ủy thác, hoạt động liên ngân hàng, hoạt động thông tin tín dụng…

Ngoài ra, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm cũng đã được nâng lên, tạo sức răn đe cho các đối tượng vi phạm. Hiện tại, Bộ luật hình sự 2015 (đang hoãn hiệu lực thi hành) cũng đã được điều chỉnh hơn nhiều so với Bộ luật năm 1999, quy định thêm các hành vi vi phạm chưa được hình sự hóa như tội rửa tiền, tội đầu cơ, tội lưu hành thẻ ngân hàng giả….

Chính vì thế theo quan điểm của tôi thì các quy định pháp luật hiện hành về cơ bản đã có những bổ sung theo hướng tích cực so với các văn bản cũ, mặt khác để có thể khắc phục tình trạng này thì trước tiên chúng ta phải giải quyết được những bất cập từ trong nội bộ hoạt động của các ngân hàng. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời.