PHÁ HOẠI TÀI SẢN

0
441

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW trả lời trong Chương trình HIỂU ĐÚNG – LÀM ĐÚNG về tình huống phá hoại tài sản.

TH (PHÁ HOẠI TÀI SẢN): Anh Tú mới trúng sổ xố liền đổi đời đi mua xe ô tô. Trong một lần đỗ xe ô tô dọc đường, anh Tú đã chắn xe ô tô trước cửa nhà anh Tài khiến anh Tài ức chế nên đã tìm cách phá hoại chiếc xe của anh Tú. Hai anh vì vấn đề mâu thuẫn này đã tìm đến luật sư để phân xử.

Luật sư tư vấn:

Thứ nhất, đối với hành vi của anh Tú: đỗ xe ô tô dọc đường khi đã có biển cấm đỗ xe, hơn nữa lại đỗ ngay trước cửa nhà anh Tài, gây cản trở đến hoạt động kinh doanh của nhà anh.

Theo quy định tại Điều 18 Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 thì đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian. Điều 18 cũng quy định người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; … Điều 19 Luật GTĐB quy định không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định. Hành vi của anh Tú đỗ xe nơi có biển cấm đỗ là hành vi vi phạm Luật GTĐB.

Điểm e, Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ như sau:

Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây: “Đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều này”.

Do đó, trong trường hợp này, anh Tú sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng về hành vi đỗ xe nơi có biển cấm đỗ.

Thứ hai, đối với hành vi của anh Tài: lấy bút xóa vẽ khắp xe ô tô của anh Tú.

Theo quy định của pháp luật, hành vi dùng bút xóa vẽ lên xe ô tô của người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  1. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác; …”.

Hành vi dùng bút xóa vẽ lên xe ô tô của anh Tài cũng có dấu hiệu phạm vào Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 143 Bộ Luật Hình Sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009):

“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”.

Như vậy, hành vi của anh Tài có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đó gây thiệt hại cho anh Tú từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng.

Trong tình huống này, cả anh Tú và anh Tài đều có lỗi do đó hai bên nên thống nhất với nhau giải quyết theo hướng hòa giải.