Những vi phạm về sở hữu trí tuệ (IP) tại Việt Nam, bao gồm các hành vi vi phạm những thương hiệu nổi tiếng, đã xảy ra phổ biến với những thủ đoạn tinh vi và rất khó để kiểm soát. Điều này đã gây thiệt hại không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cho khách hàng.
Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, số vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gia tăng một cách phức tạp tại Việt Nam. Việc xâm phạm các thương hiệu nổi tiếng xảy ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ quần áo, thuốc lá, thực phẩm và đồ uống, … cho tới tất cả các loại máy móc công nghiệp. Các sản phẩm giả mạo được bán công khai trên thị trường với giá bằng một nửa hoặc thậm chí một phần ba giá sản phẩm chính hãng.
Từ năm 2012 đến năm 2015, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý 18,329 vụ vi phạm có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất và kinh doanh hàng giả, với mức xử phạt hành chính lên tới 73 tỷ đồng và đã khởi tố 120 vụ giả mạo và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với 196 bị can.
Các vi phạm về sở hữu trí tuệ nói chung và vi phạm thương hiệu nói riêng gây thiệt hại cho các doanh nghiệp chính hãng, gây nhần lẫn, giảm sự tin tưởng của khách hàng vào các sản phẩm đã được bảo hộ cũng như gây thiệt hại cho khách hàng mua phải hàng giả.
Theo quy định hiện hành, nhà sản xuất, người nhập khẩu, thương nhân và người lưu giữ hàng giả, hàng hoá vi phạm có thể bị phạt đến 250.000.000 đồng (khoảng 12.000 USD) và người vi phạm có thể phải chịu hình phạt tù.
Bất chấp những hình phạt nghiêm khắc này, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thương hiệu vẫn phổ biến do thực tế một số doanh nghiệp thiếu thông tin và một số cố gắng lợi dụng danh tiếng của các thương hiệu nổi tiếng.
Nhiều năm kinh nghiệm của chúng tôi trong việc giải quyết các vi phạm thương hiệu cho thấy việc lợi dụng danh tiếng của các nhãn hiệu nổi tiếng là một cách dễ kiếm lợi nhuận và nhiều công ty và nhà sản xuất sử dụng nó như là một cách nhanh chóng để phát triển nhãn hiệu hiệu của mình. Người vi phạm thường cố gắng để sản xuất các sản phẩm giả mạo/xâm phạm ở Việt Nam. Tuy nhiên, với một số loại sản phẩm không thể sản xuất tại địa phương, người vi phạm nhập khẩu chúng, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Đối với các sản phẩm được sản xuất tại địa phương, điều quan trọng nhất để xử lý hành vi xâm phạm là tìm ra địa điểm của nhà sản xuất cũng như kho hàng nơi mà lưu trữ một lượng lớn các sản phẩm giả mạo/ vi phạm. Nhưng việc xử lý hàng nhập khẩu phức tạp hơn.
Nếu sản phẩm nhập khẩu là hàng nhập lậu, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chỉ có thể hành động chống lại các nhà phân phối người bán sản phẩm giả mạo/ vi phạm trên thị trường. Bởi vì đó là một nhiệm vụ bất khả thi, trong trường hợp này, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cần phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn việc buôn lậu.
Nếu sản phẩm nhập khẩu được nhập khẩu hợp pháp, theo Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Hải quan hiện hành, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu cơ quan hải quan xem xét và tạm thời ngừng nhập khẩu, gọi là biện pháp kiểm soát biên giới, nếu sản phẩm đó đã được chứng minh vi phạm hoặc giả mạo.
Theo đó, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ phải nộp các tài liệu chứng thực cho các quyền của mình (bản sao có chứng thực của giấy chứng nhận đăng ký hoặc các tài liệu khác) và các tài liệu liên quan đến hàng hoá, bao gồm danh sách các nhà nhập khẩu được uỷ quyền, phương thức nhập khẩu hàng hoá chính hãng, miêu tả cách phân biệt hàng hoá chính hãng với hàng hoá xâm phạm bản quyền, các tài liệu về nguồn gốc của hàng hoá chính hãng, hình ảnh của hàng hoá chính hãng, và giấy uỷ quyền có công chứng và hợp pháp hóa (trong trường hợp đơn được nộp thông qua một đại lý IP tại Việt Nam). Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan Hải quan sẽ gửi cho người nộp đơn một thông báo cho biết chấp nhận hoặc từ chối đơn. Thời hạn hiệu lực của đơn và các tài liệu kèm theo là một năm kể từ ngày cơ quan Hải quan thông báo và có thể gia hạn thêm một năm theo yêu cầu của người nộp đơn. Sau đó, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ phải nộp lại đơn đăng ký mới nếu muốn tiếp tục theo dõi hàng hoá nhập khẩu.
Từ năm 2012 đến năm 2015, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý 18,329 vụ có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất và kinh doanh hàng giả_ Ảnh: Internet
Tuy nhiên, ngay cả khi yêu cầu của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đã được cơ quan hải quan chấp nhận thực hiện biện pháp kiểm soát biên giới thì vẫn khó phát hiện và xử lý hàng hoá giả mạo / vi phạm.
Một trong những khách hàng của chúng tôi, một nhà sản xuất nổi tiếng trong lĩnh vực vật liệu hóa học được sử dụng trong công nghệ lọc nước là nạn nhân của các sản phẩm giả mạo. Mặc dù khách hàng đã yêu cầu cơ quan hải quan thực hiện biện pháp kiểm soát biên giới và người vi phạm đã bị trừng trị, họ vẫn tiếp tục nhập khẩu và phân phối các sản phẩm giả mạo trên thị trường.
Điều này có nghĩa là biện pháp kiểm soát biên giới không phải là một công cụ mạnh để ngăn chặn việc nhập khẩu các sản phẩm giả mạo / vi phạm do một số khó khăn phát sinh gần đây. Việt Nam đã áp dụng hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS) để nhập khẩu, và điều này đòi hỏi việc ban hành các hướng dẫn cho biện pháp kiểm soát biên giới bởi vì VNACCS đã thay đổi bản chất của biện pháp này.
Trước khi VNACCS được áp dụng, việc đăng ký và thông quan cần phải được thực hiện trực tiếp bởi các đại lý hải quan, nhưng hiện nay chúng được tự động thực hiện bởi VNACCS dựa trên các luồng của hàng hóa được xác định bởi hệ thống (các luồng màu xanh, vàng và đỏ dựa trên nguy cơ của hàng hoá được phân loại bởi cơ quan hải quan, trong đó hàng hoá trong luồng xanh sẽ được miễn kiểm tra thực tế). Do đó, hệ thống chỉ kiểm tra thông tin được cung cấp bởi các nhà nhập khẩu và nó chỉ có thể tìm ra các sản phẩm giả mạo / vi phạm nếu thông tin là giống / tương tự với thương hiệu được bảo hộ. Tuy nhiên, thông tin về thương hiệu trên mẫu đăng ký không bắt buộc. Nếu nhà nhập khẩu không cung cấp thương hiệu hàng hoá hoặc thương hiệu xuất hiện trên hàng hoá khác với thông tin trên mẫu đăng ký nhập khẩu hàng hoá luồn xanh, thì không thể phát hiện ra hàng hóa giả mạo / vi phạm trong giai đoạn này.
Thách thức khác trong việc thực hiện biện pháp kiểm soát biên giới là một số lỗ hổng trong Luật Hải quan và Luật Sở hữu trí tuệ cũng như các quy định không rõ ràng của Luật Sở hữu trí tuệ về vấn đề này. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, cơ quan hải quan có thể tự quyết định áp dụng các biện pháp hành chính và phòng ngừa như cảnh cáo hoặc phạt tiền, tạm giữ người, hàng hoá vi phạm, tang vật, … để xử lý các sản phẩm giả mạo / vi phạm nếu họ phát hiện ra hàng hóa này mà không có yêu cầu của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, chưa có quy định rõ ràng để hướng dẫn về quyền này liên quan đến thủ tục và trách nhiệm đền bù của cơ quan hải quan trong trường hợp kết luận của họ sai. Ngoài ra, Luật Hải quan không quy định quyền hạn của cơ quan hải quan.
Hơn nữa, cũng rất khó để xử lý người vi phạm theo biện pháp hình sự vì hiện tại Bộ luật Hình sự không có quy định rõ ràng về các dấu hiệu tội phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Để giải quyết tình huống nêu trên, cần có hướng dẫn chi tiết về biện pháp kiểm soát biên giới cho phù hợp với thủ tục VNACCS do cơ quan Hải quan áp dụng, nhất là với quyền hạn của cơ quan hải quan để phát hiện, kiểm tra và xử lý các sản phẩm bị cho là giả mạo hoặc vi phạm thương hiệu được bảo hộ hoặc quyền sở hữu trí tuệ khác được bảo hộ tại Việt Nam và về việc miễn trách nhiệm đối với mọi khiếu nại, yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể phát sinh trong quá trình giải quyết vi phạm.
Đặc biệt, các nhà lập pháp nên đẩy nhanh việc ban hành Bộ luật Hình sự mới để toà án có thể áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với người vi phạm.
Mặc dù việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn là một thách thức đối với các cơ quan có thẩm quyền để xác định, xác minh và xử lý vi phạm. Do đó, luật pháp cần được thay đổi để đối phó với sự phát triển phức tạp và tinh vi của các sản phẩm giả mạo.
Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc SHTT SBLAW