Lixăng chéo – giải pháp tránh tranh chấp về sở hữu trí tuệ

0
472

Để đối phó với sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi trong lĩnh vực công nghệ, các công ty phải tìm nhiều cách để bảo vệ tài sản của mình trước khi ra tới tòa án, trong đó có giải pháp lixăng chéo (cross licensing).

Các “ông lớn” hợp tác để tránh kiện tụng
Ngày 28/9/2011, các trang công nghệ trên thế giới đồng loạt đưa tin về thỏa thuận chiến lược giữa Microsoft và Samsung. Theo đó, Microsoft sẽ cấp quyền sử dụng bằng sáng chế Android cho Samsung – nhà sản xuất điện thoại và máy tính bảng chạy bằng hệ điều hành Android phổ biến nhất trên thế giới.
Sở dĩ có điều này là vì hệ điều hành Android được phát triển từ nền tảng Linux – một dạng mã nguồn mở. Google sau đó đã phát triển Android dựa trên rất nhiều bằng sáng chế do Microsoft sở hữu. Do đó, khi Samsung sử dụng hệ điều hành Android, họ đồng thời sử dụng luôn các bằng sáng chế của Microsoft.
Để mua quyền sử dụng sáng chế, Samsung phải trả một khoản phí cho Microsoft trên mọi máy tính bảng và điện thoại thông minh chạy bằng hệ điều hành Android mà họ sản xuất. Samsung còn có nghĩa vụ hợp tác với Microsoft trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ. Hai bên cũng cam kết sẽ không tham gia bất cứ tranh chấp pháp lý nào liên quan đến bằng sáng chế Android.
Thỏa thuận này được lập ra sau một số giao dịch thương mại mà Microsoft đã thực hiện với một số nhà sản xuất điện thoại Android như HTC, Acer, ViewSonic, Velocity Micro và Winstron… Tất nhiên, các công ty này cũng phải trả mức phí sử dụng sáng chế tương tự Microsoft đối với các thiết bị Android mà họ sản xuất.
Luật sư trưởng của Microsoft – ông Brad Smith và Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề sở hữu trí tuệ và cấp phép tại Microsoft là Horacio Gutierrez cho biết trên trang web của hãng: “Cùng với thỏa thuận cấp phép vào năm 2010 với HTC, thỏa thuận năm 2011 với Samsung dẫn tới việc hai nhà sản xuất thiết bị thông minh chạy bằng hệ điều hành Android hàng đầu đã có được quyền sử dụng hợp pháp sáng chế”.
Hai công ty này chiếm hơn một nửa số điện thoại Android bán ra tại Mỹ trong năm 2010. Còn Motorola Mobility là nhà sản xuất điện thoại thông minh Android duy nhất tại Mỹ “nằm ngoài cuộc chơi” vì không có giấy phép. Chính vì vậy, công ty này đã vướng vào kiện tụng với Microsoft.
Thỏa thuận kể trên được cả Samsung và Microsoft đánh giá cao vì những lợi ích mà nó mang lại cho hai bên. Samsung có thể thoải mái phát triển các dòng sản phẩm của mình trên hệ điều hành Android để cạnh tranh với các đối thủ khác mà không sợ vướng vào những rắc rối về pháp lý. Còn Microsoft cũng thu được khoản lợi nhuận không nhỏ từ hợp đồng cấp quyền sử dụng sáng chế cho Samsung. Đổi lại, trong việc phát triển công nghệ, Microsoft được Samsung hợp tác, hỗ trợ tiếp thị và phát triển Windows Phone 7. Đây được cho là một dấu hiệu cho thấy ý định mở rộng sang lãnh địa mới của các sản phẩm điện thoại không chạy trên hệ điều hành Android của Microsoft.
Smith và Gutierrez cho biết họ hy vọng loại hình thỏa thuận này (mỗi bên cấp quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ cho bên kia) sẽ là cách các công ty công nghệ lớn lựa chọn để giải quyết các tranh chấp về bằng sáng chế với một kết quả hai bên cùng có lợi (win-win) chứ không phải là những cuộc chiến pháp lý kéo dài và tốn kém tại tòa án.
Giải pháp hữu hiệu thời Industry 4.0
Giờ đây, hợp đồng lixăng chéo là một thuật ngữ đã không còn xa lạ, đặc biệt là với các công ty có hàm lượng chất xám cao trong hoạt động, các công ty công nghệ. Ngay cả những đối thủ cạnh tranh khốc liệt như Samsung và Apple cũng đã đặt lixăng chéo trên bàn đàm phán.
Một cách đơn giản nhất, có thể hiểu lixăng chéo là một thỏa thuận pháp lý giữa hai công ty A và B, trong đó A cấp phép cho B sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của mình để sản xuất và cung ứng các sản phẩm dựa trên tài sản trí tuệ của A. Đổi lại, B cũng trao quyền cho A sử dụng một tài sản trí tuệ mà B sở hữu hoặc các hợp tác về nghiên cứu và phát triển tài sản trí tuệ giữa hai bên trong tương lai.
Trong kinh doanh, lixăng chéo là một phương thức cực kỳ hữu hiệu giúp các bên tham gia đều có được những lợi ích mà mình đang tìm kiếm. Thứ nhất, cả hai bên có thể tận dụng được công nghệ của bên kia để kết hợp phát triển các sản phẩm của mình, đồng thời mở rộng thị trường. Các công ty có thể vừa có được công nghệ mới, vừa tích hợp những dấu ấn công nghệ riêng của mình để tạo sự khác biệt. Vào đầu những năm 2000, một số công ty công nghệ đã bắt đầu triển khai các chương trình cấp phép sở hữu trí tuệ nhằm biến các dự án không hoạt động thành doanh thu, tấn công thị trường mới và đánh giá các đối tác kinh doanh tiềm năng.
Thứ hai, các bên tham gia có thể tránh được nguy cơ phải gặp nhau tại tòa án để giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Điều này vừa tốn kém tiền bạc, thời gian, vừa có khả năng làm giảm danh tiếng của cả hai bên.
Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, giải pháp lixăng chéo sẽ càng cho thấy rõ sức hấp dẫn của mình đối với các doanh nghiệp và ngày càng được coi trọng vì những nguồn lợi mà nó mang lại, đặc biệt là với các công ty đa quốc gia.
Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/lixang-cheogiai-phap-tranh-tranh-chap-ve-so-huu-tri-tue/20170818093159975p1c160.htm