Những quy định pháp luật về sáng chế trong nông nghiệp

0
734

Sản xuất nông nghiệp được phân làm 2 loại hình chính là nông nghiệp thuần và nông nghiệp chuyên sâu. Nông nghiệp thuần là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có đầu vào hạn chế, sản phẩm đầu ra chủ yếu phục vụ cho chính gia đình của mỗi người nông dân; trong nông nghiệp thuần không có sự cơ giới hóa. Nông nghiệp chuyên sâu là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được chuyên môn hóa trong tất cả các khâu sản xuất, gồm cả việc sử dụng máy móc trong trồng trọt, chăn nuôi hoặc trong quá trình chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định như sau:

“12. Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”.

Từ quy định trên, sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp có thể được hiểu là các giải pháp kỹ thuật có thể áp dụng trong cả nông nghiệp sinh nhai và nông nghiệp chuyên sâu nhằm hỗ trợ cho con người trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp.

Nhận thấy sự cần thiết của những sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp, ngày 14 tháng 11/2013, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg. Theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, các loại máy được hỗ trợ vay vốn ưu đãi được mở rộng, chứ không chỉ dừng lại ở những sản phẩm đạt tỷ lệ nội địa trên 60%.

Theo đó, từ năm 2000 đến nay, đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích thuộc lĩnh vực nông nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ đã tăng dần và phần lớn là do các cá nhân, doanh nghiệp tạo ra và tiến hành nộp đơn. Trong số đơn yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế thì có khoảng 17% được cấp văn bằng bảo hộ (với các tiêu chuẩn: tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp), 43% đơn yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ (với tiêu chuẩn tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp mà không cần có trình độ sáng tạo).

Vậy để một sáng chế được bảo hộ thì cần phải làm những thủ tục gì?

Theo quy định tại Điều 58 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định về điều kiện đăng ký sáng chế như sau:

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

-Có tính mới;

– Có trình độ sáng tạo;

– Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Thủ tục đăng sáng chế được tiến hành qua các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị tài liệu hồ sơ cần thiết cho việc đăng ký sáng chế

Bước 2: Tiến hành thủ tục tra cứu khả năng đăng ký của sáng chế

Bước 3: Nộp đơn đăng ký sáng chế và theo dõi đơn đăng ký sáng chế cho đến khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký sáng chế.

Theo đó, Hồ sơ đăng ký sáng chế bao gồm các tài liệu sau:

-02 Tờ khai đăng ký sáng chế theo mẫu (được chủ đơn hoặc đại diện của chủ đơn ký tên & đóng dấu vào tờ khai);

– 02 bản mô tả sáng chế;

– Chứng từ lệ phí cho việc bảo hộ sáng chế;

– Hợp đồng ủy quyền hoặc Giấy ủy quyền cho tổ chức đại diện tiến hành nộp đơn đăng ký sáng chế (áp dụng trong trường hợp chủ đơn ủy quyền cho tổ chức đại diện đăng ký sáng chế).

Thời hạn thực hiện thủ tục bảo hộ sáng chế

Điều 119 và 110 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định như sau:

Điều 119. Thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

“1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định hình thức trong thời hạn một tháng, kể từ ngày nộp đơn.

  1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định nội dung trong thời hạn sau đây:
  2. a) Đối với sáng chế không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn;
  3. b) Đối với nhãn hiệu không quá chín tháng, kể từ ngày công bố đơn;
  4. c) Đối với kiểu dáng công nghiệp không quá bảy tháng, kể từ ngày công bố đơn;
  5. d) Đối với chỉ dẫn địa lý không quá sáu tháng, kể từ ngày công bố đơn.
  6. Thời hạn thẩm định lại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bằng hai phần ba thời hạn thẩm định lần đầu, đối với những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu.
  7. Thời gian để người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn không được tính vào các thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; thời hạn xử lý yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn không vượt quá một phần ba thời gian thẩm định tương ứng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này …”.

Điều 110. Công bố đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

“…2. Đơn đăng ký sáng chế được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc vào thời điểm sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn …”

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký sáng chế

Cơ quan duy nhất tại Việt nam tiếp nhận hồ sơ đăng ý sáng chế, xem xét hồ sơ và cấp văn bằng bảo hộ sáng chế là Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam có địa chỉ tại 386 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, Cục sở hữu trí tuệ còn có 02 văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Đã Nẵng.

Chủ sở hữu đăng ký sáng chế có thể lựa nộp đơn đăng ký sáng chế tại một trong các địa chỉ nêu trên bằng hình thức nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.

Thời hạn bảo hộ sáng chế

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 93 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về hiệu lực của văn bằng bảo hộ thì Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.

Quyền của chủ sở hữu sáng chế

Chủ sở hữu sáng chế là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ sáng chế. Quyền của chủ sở hữu sáng chế được Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định như sau:

Thứ nhất, Quyền sử dụng sáng chế:

Khoản 1 Điều 123 và Khoản 1 Điều 124 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi và bổ sung 2009) quy định Chủ sở hữu sáng chế có quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng sáng chế bao gồm các hành vi sau đây:

+ Sản xuất sản phẩm được bảo hộ;

+ Áp dụng quy trình được bảo hộ;

+ Khai thác công dụng của sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ;

+ Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm;

+ Nhập khẩu sản phẩm.

Thứ hai, Quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế:

Khoản 1 và Khoản 2 Điều 125 Luật sở hữu trí tuệ có quy định:

+ Chủ sở hữu sáng chế có quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế nếu việc sử dụng đó không thuộc các trường hợp sau:

– Sử dụng sáng chế nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm;

– Sử dụng sáng chê chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam;

– Sử dụng sáng chế do người có quyền sử dụng trước thực hiện theo quy định tại Điều 134 của Luật sở hữu trí tuệ;

– Sử dụng sáng chế do người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện theo quy định tại Điều 145 và Điều 146 của Luật sở hữu trí tuệ;

Thứ ba, Quyền định đoạt sáng chế:

Quyền định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Chương X của Luật sở hữu trí tuệ.

Như vậy, sáng chế là một giải pháp kỹ thuật (có thể dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình hoặc kết hợp cả hai), do con người tạo ra để phục vụ cho đời sống. Để tạo ra được 01 sáng chế, tác giả sẽ phải là người có trình độ chuyên môn, có sự đầu tư thời gian, chi phí để nghiên cứu. Do đó, để đảm bảo mình được độc quyền sở hữu sáng chế, tác giả nên tiến hành thủ tục đăng ký sáng chế sau khi sáng tạo ra.

Mời các bạn xem bài phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà về vấn đề bảo hộ sáng chế: