Trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử lý như thế nào?

0
572

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã tư vấn về hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong Chương trình Hiểu Đúng – Làm Đúng. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Tình huống: Anh Tài với anh Trọng đều nhận được giấy gọi nhập ngũ, tuy nhiên cả 2 anh tìm cách trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sự việc bị phát hiện, 2 anh đã tìm đến luật sư xin tư vấn.

Luật sư tư vấn:

Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định trừ người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên và công dân nữ có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của quân đội nhân dân từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Do đó, việc không đăng ký nghĩa vụ quân sự khi đã có lệnh gọi; không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng… được coi là hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 10 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015.

Tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, xử phạt hành chính:

Theo Điều 7 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu thì phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng. Buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự:

Nếu người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Trốn tránh nghĩa vụ quân sự tại Điều 332 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể:

“Điều 332. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Lôi kéo người khác phạm tội”.

Tuy nhiên tội này chỉ cấu thành khi người phạm tội có thêm yếu tố nhân thân đó là: đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự mà chưa được xóa án tích.

Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự vừa là trách nhiệm, niềm tự hào của mỗi thanh niên Việt Nam. Vì vậy, hy vọng các bạn trẻ nên tự giác tham gia nghĩa vụ quân sự, đừng trốn tránh kẻo vi phạm pháp luật.