Sai phạm của Mumuso Việt Nam sẽ bị xử lý ra sao?

0
532

 Trong bài “Sai phạm của Mumuso Việt Nam sẽ bị xử lý ra sao?” đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mới đây, Bộ Công Thương đã công bố thông tin trên 99 % hàng hóa tại các cửa hàng Mumuso được sản xuất tại Trung Quốc, trong khi hầu hết người tiêu dùng Việt Nam lâu nay vẫn tin rằng đây là hàng Hàn Quốc.

Cũng theo Kết luận kiểm tra của Bộ Công Thương đối với Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Mumuso Việt Nam, Công ty có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Ngoài ra, công ty này còn có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh và ghi nhãn hàng hóa…Điều đáng nói là tại Hà Nội, hiện có khá nhiều hệ thống các cửa hàng khác hoạt động theo mô hình tương tự Mumuso.

Hàng Trung Quốc gắn mác Hàn

Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật BSLAW nhận định, thời gian quan có không ít doanh nghiệp đã lợi dụng tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, đặt những tên nhãn hiệu na ná tiếng Nhật, tiếng Hàn,  Mỹ rồi đăng ký nhãn hiệu, mã số mã vạch tại quốc gia đó. Sau đó, họ đặt hàng gia công tại Trung Quốc với giá rẻ và chất lượng chưa được kiểm chứng. Khi nhập hàng về Việt Nam, bằng nhiều cách khác nhau, họ sẽ tiến hành chiến dịch quảng cáo để người tiêu dùng Việt Nam nghĩ đó là sản phẩm của những công ty đến từ những quốc gia này. Không ít người tiêu dùng đã bị lừa, mua hàng Trung Quốc mà cứ nghĩ  mình mua được hàng hoá của những công ty nước ngoài có uy tín với giá rẻ.

Về các vấn đề pháp lý liên quan đến những vi phạm của Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Mumuso Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, công ty này đã có những hành vi vi phạm pháp luật thương mại Việt Nam. Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với với chuẩn mực thông thường về đạo đức, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc của người tiêu dùng. Với việc gắn chữ Korea vào sản phẩm nhưng thực tế sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, công ty này đã làm người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đó là hành vi bị cấm theo Điều 39, Điều 40 Luật Cạnh tranh năm 2004.

Điều luật quy định: “Cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, và các yêu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh”.

Phạt tới trên 100 triệu đồng

Về mức xử phạt, Điều 28 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP đã quy định, hành vi sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh”; “Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn” thì bị phạt tiền từ 50-140 triệu đồng.

Ngoài ra, theo Điều 66 Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối với hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng sẽ bị xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh hoặc đình chỉ hoạt động từ 1-6 tháng.Mặt khác, đối với một số vi phạm, nếu đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, khi mua phải sản phẩm nhãn Hàn Quốc nhưng sản xuất tại Trung Quốc, người tiêu dùng có quyền thu thập chứng cứ, tiến hành khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc khởi kiện ra toà án có thẩm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, các chứng cứ vi phạm và tính toán thiệt hại thực tế Toà án sẽ xem xét và ra phán quyết.

“Để hạn chế rủi ro, người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng, xem xét kỹ về giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tránh tin theo quảng cáo, hoa mắt vì nhãn mác ngoại mà mua phải hàng hóa không đảm bảo chất lượng”– Luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo.

Nguồn: https://m.anninhthudo.vn/doi-song/sai-pham-cua-mumuso-viet-nam-se-bi-xu-ly-ra-sao/775325.antd