Từ quy định pháp lý đến vụ ly hôn nghìn tỷ

0
538

Ly hôn kéo theo hàng loạt các vấn đề liên quan tới pháp lý như tranh chấp quyền nuôi con, đặc biệt là tranh chấp trong việc chia tài sản chung. Khi phân chia tài sản chung của vợ chồng Tòa án sẽ phải dựa trên các nguyên tắc nhất định. Dưới đây là những nguyên tắc được áp dụng khi giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp ly hôn:

Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn

Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ, chồng khi ly hôn được thực hiện theo quy định của Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, theo đó, phần tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia, còn phần tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó.

Theo Điều 33 của Luật HNGĐ 2014 quy định, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Việc chia tài sản chung của vợ, chồng khi ly hôn trước hết sẽ căn cứ vào thoả thuận của các bên. Việc thoả thuận này có thể được căn cứ trên thoả thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trong trường hợp vợ, chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thoả thuận; hoặc dựa trên thoả thuận về việc chia tài sản chung khi ly hôn.

Trường hợp các bên không thoả thuận được, thỏa thuận không đầy đủ, không rõ ràng , Toà án căn cứ theo các quy định hiện hành của pháp luật về hôn nhân gia đình để giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Về cơ bản, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng tính đến các yếu tố: (i). Hoàn cảnh gia đình; (ii) công sức đóng góp vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung;(iii). bảo vệ lợi ích cho việc sản xuất kinh doanh và (iv) yêu tố lỗi trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, tất cả đều được pháp luật xem xét để phân chia tài sản.

Như vậy, về nguyên tắc, việc giải quyết tài sản của vợ chồng trước hết cần căn cứ vào thoả thuận của các bên. Trường hợp các bên không đạt được thoả thuận, thoả thuận không đầy đủ, rõ ràng, Toà án có thẩm quyền giải quyết trên nguyên tắc chia đôi nhưng tính đến một số yếu tố khách quan, chủ quan khác liên quan đến quan hệ hôn nhân giữa các bên.

Thực trạng áp dụng nguyên tắc này trong xét xử ly hôn

Quy định của pháp luật là vậy, nhưng các yếu tố chủ quan, khách quan khác liên quan đến quan hệ hôn nhân của các bên đôi khi lại rất khó để xác định trong quá trình giải quyết vụ việc.

Đơn cử như vụ ly hôn nghìn tỷ giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên được TAND TPHCM thụ lý từ tháng 11/2015. Tổng tài sản chung của 2 vợ chồng này được công khai tại phiên tòa lên tới 8400 tỷ đồng, trong đó có 2000 tỷ đồng tiền mặt, 725 tỷ đồng tại 13 bất động sản và 5654 tỷ đồng trị giá của các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên.

Ông Vũ đề xuất chia đôi bất động sản chung (725 tỷ), phần còn lại chia theo tỷ lệ ông Vũ – bà Thảo: 7-3. Tuy nhiên tỷ lệ nói trên không làm bà Thảo hài lòng, bà giữ quan điểm chia đôi và cho mỗi đứa còn 5% cổ phần Trung Nguyên.

Liên hệ với các quy định của pháp luật về việc giải quyết tài sản của vợ, chồng khi ly hôn, có thể thấy trong vụ việc này, việc áp dụng những quy định này để giải quyết vụ việc gặp phải rất nhiều khó khăn. Trước hết, có thể thấy các bên chưa hề đạt được bất kỳ sự thoả thuận, một tiếng nói chung nào đối với số cổ phần của Trung Nguyên. Vì vậy, để giải quyết vụ việc, Toà án lúc này cần phải dựa vào Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình để chia tài sản theo nguyên tắc chia đôi và có tính đến những yếu tố khác. Tuy nhiên, vướng mắc ở đây nằm ở việc xác định những yếu tố này, đặc biệt là yếu tố công sức đóng góp của các bên trong việc tạo lập tài sản chung.

Nhiều quan điểm cho rằng ông Vũ là “linh hồn” của Trung Nguyên, là đầu tàu không thể thiếu dẫn dắt Trung Nguyên có vị thế như ngày hôm nay. Tuy nhiên, cũng lại có quan điểm cho rằng vai trò quản lý của bà Thảo cũng không hề kém quan trọng. Mỗi bên đều có lập luận, dẫn chứng riêng của mình và Toà án cũng chưa thể có cơ sở để xác định, đưa ra những phán quyết đối với vấn đề này. Thậm chí, hội đồng xét xử đã phải có một hành vi gây tranh cãi là “khuyên nhủ” bà Thảo rút đơn khởi kiện và giao công ty lại cho ông Vũ. Hành vi này nhìn nhận đơn thuần dưới góc độ pháp lý có khả năng chưa phù hợp với những quy định hiện hành của pháp luật về tố tụng dân sự, nhưng biết đâu, đây lại có thể là động thái cần thiết của người “cầm cân nảy mực” để tháo bỏ nút thắt của một vụ án đang còn nhiều điểm tranh cãi.

Như vậy, có thể thấy, dù pháp luật đã có những quy định về nguyên tắc giải quyết vấn đề tài sản khi vợ, chồng ly hôn, nhưng việc áp dụng những nguyên tắc này để giải quyết những tranh chấp trên thực tế vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Có lẽ, đối với quan hệ hôn nhân gia đình nói riêng, xuất phát từ tính chất đặc thù mang nhiều yếu tố tình cảm, các cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh từ quan hệ này nên linh hoạt hơn, tôn trọng hơn nữa yếu tố thoả thuận giữa các bên.

Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết việc chia tài sản chung cần phải tiến hành thẩm tra, tìm hiểu mọi vấn đề liên quan đến tài sản chung: công sức đóng góp cũng như hoàn cảnh sống của các bên để có cơ sở phân chia một cách công bằng, hợp lý.