Khả năng đẩy lùi “tín dụng đen” nhờ hình thức cho vay tiêu dùng

0
534

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn về vấn đề kinh doanh tài chính, tiền tệ. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Thưa Luật sư, với các dạng tờ rơi quảng cáo về cho vay không thế chấp với mức lãi suất từ 3.000đ/triệu/ngày đang tồn tại rất nhiều hiện nay, liệu có phải các cá nhân tổ chức này đang kinh doanh (KD) tài chính, tiền tệ không? Vì sao?

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, chức năng kinh doanh, hoạt động của một tổ chức, doanh nghiệp được thể hiện trên chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp đó.

Vì vậy, để xem xét các chủ thể này có chức năng kinh doanh tài chính, tiền tệ hay không, cần xem xét những chủ thể này có được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động kinh doanh tài chính, tiền tệ không.

Thông thường, hiện nay, vì điều kiện cấp phép hoạt động kinh doanh lĩnh vực tài chính tiền tệ rất chặt chẽ, khắt khe, do đó, các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động cho vay dưới hình thức các giao dịch dân sự, không phải là hoạt động kinh doanh tài chính, tiền tệ hợp pháp.

2. Thời gian vừa qua, vấn nạn “tín dụng đen” đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh với dư luận. Nhưng có một nghịch lý rằng, dù vẫn biết, bản chất của “tín dụng đen” sẽ để lại những hệ lụy có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của chính những người đi vay song hình thức này vẫn có xu hướng bành trướng về quy mô. Thưa chuyên gia, vì sao lại vậy?

Trả lời:

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là sự tiện lợi khi vay tiền theo hình thức này.

Đi vay ở ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục hơn so với việc vay hay cho vay tại tín dụng đen, chẳng hạn như phải có tài sản thế chấp, nhiều trường hợp, ngân hàng, tổ chức tín dụng yêu cầu có cả dự án để đánh giá tính khả thi của hoạt động kinh doanh.

Vay vốn của bạn bè, người thân thì không phải lúc nào cũng có thể vay được, nó còn phụ thuộc vào khả năng quan hệ, tín nhiệm của gia đình đối với người đi vay.

Nhưng vay vốn của tín dụng đen thì không phải thực hiện các thủ tục đó, cũng như linh hoạt về cả thời hạn cho vay, số tiền vay. Điều này đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, dẫn đến sự phát triển của tín dụng đen thời gian qua.

Bên cạnh đó, sự phát triển công nghệ thông tin thời gian gần đây cũng khiến cho cách tiếp cận trực tiếp giữa bên có nhu cầu vay và cho vay càng trở nên thuận tiện. Điều này càng làm cho tín dụng đen có điều kiện phát triển rộng rãi hơn.

3. Theo Luật sư, các đơn vị quản lý, cơ quan chức năng phải có những hành động gì và trách nhiệm của họ đến đâu trong việc để “tín dụng đen” đang hoạt động rất công khai dưới hình thức cho vay, hỗ trợ tài chính?

Trả lời:

Một thực trạng khó có thể phủ nhận là tín dụng đen có nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ tội phạm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Do đó, các cơ quan quản lý, cơ quan an ninh có trách nhiệm phối hợp phát hiện, ngăn chặn, và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, vì nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của các kênh tín dụng không chính thống đến từ chính nhu cầu tiếp cận khoản vay nhanh chóng của người dân, do đó, để có thể thực sự ngăn chặn được vấn nạn tín dụng đen này, các cơ quan quản lý cũng cần xem xét, tạo điều kiện để những kênh tín dụng chính thống như ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác có thể triển khai thêm các chính sách cho vay linh hoạt hơn, tạo điều kiện để người dân tiếp cận khoản vay dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, hiện nay, mô hình cho vay ngang hàng đang phát triển tốt, tuy nhiên, chưa có hành lang pháp lý cho dịch vụ hiện đại này, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành luật để điều chỉnh và hợp pháp hóa, nếu có kênh này, sẽ cạnh tranh trực tiếp với tín dụng đen, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Ngoài ra, việc điều tra, truy tố và xét xử các đường dây tín dụng đen cũng cần phải tang cường, việc xử phạt theo đúng quy định về tội cho vay nặng lãi sẽ giúp đẩy lùi tín dụng đen.

Tuyên truyền, phổ biến về tác hại của tín dụng đen đối với người dân của chính quyền cơ sở cũng là cách tốt để người dân không rơi vào bẫy của loại cho vay này.

 

4. Một trong những giải pháp đang được các chuyên gia cho rằng có khả năng đẩy lùi “tín dụng đen”, đó là phát triển hình thức cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Quan điểm của ông thì sao?

Trả lời:

Việc phát triển hình thức cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng là một giải pháp tiềm năng cho việc đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen hiện nay. Giải pháp này phần nào đáp ứng được nhu cầu nhu cầu chi tiêu/tiêu dùng hiện đại, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này cũng giúp người dân có thêm lựa chọn thay vì tìm đến tín dụng phi chính thức.

Tuy nhiên, để vay tiêu dùng phát triển thì không chỉ cần một hành lang pháp lý thông thoáng mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, tổ chức doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí để người dân hiểu và tiếp cận với dịch vụ tài chính. Cũng từ đó, người dân được nâng cao kiến thức tài chính, có điều kiện tiếp cận với tín dụng hợp pháp, tránh việc đánh đồng vay tiêu dùng của các công ty tài chính với “tín dụng đen”.

Hiện nay, theo tôi được biết, có một số công ty tài chính khi thu hồi nợ xấu cũng đang thuê một số công ty thu hồi nợ, và họ áp dụng một số biện pháp trái pháp luật, điều này đang ảnh hưởng tới uy tín của mô hình cho vay này, nếu muốn phát triển kênh này, các công ty tài chính cần có cách đòi nợ xấu một cách văn minh và hợp pháp.

5. Như ông vừa trao đổi, cho vay tiêu dùng có nhiều ưu điểm trong việc giảm bớt, thu hẹp quy mô khu vực “tín dụng đen”. Nhưng hiện nay, ở nông thôn, nơi mà “tín dụng đen” đang bành trướng, dường như người dân lại có vẻ e ngại khi tiếp cận hình thức vay mới này?

Trả lời:

Hiện nay, tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính mới phát triển dần ở những thành phố lớn, chưa được phổ biến đến khu vực nông thôn.

Nguyên nhân chính xuất phát từ việc khả năng tiếp cận hệ thống tài chính, khả năng tiếp cận thông tin, đặc biệt các hệ thống thương mại ở các khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, tập tục thói quen chi tiêu và kiến thức liên quan đến tài chính ở khu vực nông thôn thấp hơn so với khu vực đô thị cũng là lí do khiến người dân nông thôn còn e ngại khi tiếp cận các kênh tín dụng mới mẻ như tín dụng tiêu dùng.

6. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của hình thức cho vay tiêu dùng trong thời gian tới?

Trả lời:

Tiềm năng phát triển của hình thức tín dụng tiêu dùng thời gian tới là rất lớn. Như đã nói trên, nhu cầu vay tiền của người dân đang phát triển mạnh, đặc biệt là trong xu thế hội nhập và phát triển thì người tiêu dùng Việt Nam cũng thu hẹp khoảng cách về thói quen, cách chi tiêu.

Nếu như trước đây, cứ phải có tiền mới chi tiêu hay chỉ chi tiêu một phần tiền đó thì hiện nay, phong cách tiêu dùng của họ chuyển sang tiêu trước trả sau dẫn đến nguồn cầu về những khoản vay sẽ tăng cao hơn nữa.

Về phía các tổ chức tín dụng, trong bối cảnh Nhà nước cũng đang có những chính sách quyết liệt trong việc đẩylùi vấn nạn tín dụng đen nhức nhối, việc có những kênh cho vay tiêu dùng linh hoạt của các tổ chức tín dụng cũng là một giải pháp nhiều tiềm năng. Do đó, các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng cũng đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển thị trường cho vay tiêu dùng.

Việc gặp nhau giữa cung và cầu này sẽ là yếu tố giúp cho tín dụng tiêu dùng phát triển quy mô ngày càng lớn.