Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã tư vấn về những biện pháp để chống lại cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên VTV2. Dưới đây là nội dung chi tiết:
- Mới đây, vụ việc quán cà phê Chang 1989 được cộng đồng mạng đánh giá là sao chép ý tưởng thiết kế từ chuỗi cà phê Cộng
(http://phunu30plus.vn/chang-ca-phe-1989-bi-cong-dong-mang-to-nhai-cong-cafe/
http://kenh14.vn/tranh-cai-ve-viec-xuat-hien-mot-quan-cafe-moi-co-phong-cach-y-het-cong-ca-phe-tu-concept-den-decor-20190107214841031.chn)
Theo luật sư đây là chỉ là vô tình trùng hợp hay có dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh?
Trả lời:
Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004 quy định: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”.
Luật cạnh tranh cũng quy định rõ những hành vi nào thì được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, theo đó, tại Điều 39 thì có 10 nhóm hành vi được coi là cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm:
- Chỉ dẫn gây nhầm lẫn
- Xâm phạm bí mật kinh doanh
- Ép buộc trong kinh doanh
- Gièm pha doanh nghiệp khác
- Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác
- Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh
- Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh
- Phân biệt đối xử của hiệp hội
- Bán hàng đa cấp bất chính
- Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này, có thể xác định quán cà phê C. 1989 đã có hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại như màu sắc, cách thiết kế bài trí trong quán, menu, phương thức phục vụ… gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng nên có thể được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến uy tín và thiệt hại cho Cộng cà phê.
- Hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ gây ra những hậu quả gì cho doanh nghiệp?
Trả lời:
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể gây thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng và thậm chí là Nhà nước.
Ví dụ như hậu quả của hành vi gièm pha doanh nghiệp là rất rõ ràng, doanh nghiệp thiệt hại tài chính, sản xuất tụt dốc không phanh, thị phần suy giảm, nghiêm trọng hơn nữa là có thể đi đến tình trạng phá sản hoặc bị thâu tóm, mua lại, còn người tiêu dùng sau những phản ứng “tẩy chay” rầm rộ tưởng chừng là thực hiện quyền của mình, thì chẳng được gì ngoài lòng tin vào sản phẩm, vào doanh nghiệp ngày càng bị tổn thương và nghi ngại với tất cả các loại sản phẩm trên thị trường, không phân biệt được đâu là thật – đâu là giả.
Gây hậu quả nặng nề cũng không kém, Hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác cũng mang lại những hậu quả là làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp chân chính bị đình trệ, hủy hoại.
Một khi các phương thức cạnh tranh lành mạnh bị biến tướng bằng các “chiêu trò không lành mạnh”, thì nó không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chân chính, mà sâu xa hơn, còn làm cho người tiêu dùng mất đi quyền cơ bản nhất là quyền lựa chọn và sử dụng các sản phẩm có chất lượng với giá thành phù hợp.
- Theo luật sư, doanh nghiệp cần có những biện pháp như thế nào để chống lại cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ?
Trả lời:
Để hướng đến một môi trường cạnh tranh lành mạnh, các doanh nghiệp nên có những cái nhìn bao quát hơn, đạo đức hơn trong kinh doanh, dựa vào những dữ liệu thực tế kết hợp với chiến lược kinh doanh của mình để đưa ra cho thị trường, người tiêu dùng những sản phẩm rẻ hơn và chất lượng hơn. Tiếp theo đó, doanh nghiệp cũng cần nắm được các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, qua đó vừa có thể tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác, tránh các hành vi vi phạm pháp luật trong sở hữu trí tuệ, vừa có thể tự bảo vệ mình, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các đơn vị, doanh nghiệp khác. Về phía các cơ quan chức năng cần có nhưng thông tin đa chiều để giải quyết sự việc một cách thấu tình, đạt lí tránh những ảnh hưởng, thiệt hại không đáng có đến cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.