Điều kiện để du học nước ngoài theo diện bảo lãnh

0
642

– Người thân ở nước ngoài cần đáp ứng những điều kiện gì để có thể làm người bảo lãnh cho du học sinh? Có yêu cầu bắt buộc nào về mối quan hệ giữa người bảo lãnh và du học sinh hay không?  

Trả lời:

Đối với những trường hợp nhận bảo lãnh cho du học sinh sang theo học, ngoài điều kiện tài chính thì cũng cần phải đáp ứng một vài tiêu chí, cụ thể như sau:

  • Định cư hợp pháp tại quốc gia nơi họ sinh sống và có công việc ổn định
  • Chưa từng có tiền án, tiền sự
  • Chứng minh được mối quan hệ ràng buộc với du học sinh

Nếu người bảo lãnh không thể đáp ứng được những điều kiện trên thì cơ hội để nhận được visa du học là rất thấp.

Và tùy từng quốc gia, lại có quy định về điều kiện đối với người bảo lãnh cho du học sinh khác nhau.

Ví dụ: Theo Luật di trú Hoa Kỳ, một công dân hoặc thường trú nhận tại Hoa Kỳ trên 21 tuổi có thể đứng ra bảo lãnh cho người thân đến Mỹ học tập. Điều kiện cụ thể như sau:

Công dân Mỹ:

  • IR (Immediate Relatives – Người thân trực hệ): Gồm vợ chồng, cha mẹ, con cái dưới 21 tuổi của người bảo lãnh. Diện IR không có người tháp tùng, không bị giới hạn chỉ tiêu visa mỗi năm (trừ trường hợp con cái trên 21 tuổi đã lập gia đình). Khi muốn bảo lãnh phải làm đơn riêng cho từng người
  • F1 (Family First Preference): Con cái độc thân trên 21 tuổi. Visa diện F1 có con dưới 21 tuổi chưa lập gia đình có thể đi theo sang Mỹ, nhưng vợ hoặc chồng thì không thể sang Mỹ theo diện này.
  • F3 (Family Third Preference) con cái trên 21 tuổi đã kết hôn
  • F4 (Family Fourth Preferen) anh chị em của công dân Hoa Kỳ

Trong đó diện F3 và F4 thì vợ hoặc chồng hoặc con dưới 21 tuổi chưa có gia đình của người được bảo lãnh được đi theo người bão lãnh chính (Principal Beneficiary)

Thường trú nhân tại Mỹ

  • F2A (Family 2A Preference): Vợ chồng hoặc con cái dưới 21 tuổi chưa lập gia đình. Người bão lãnh cần phải làm đơn riêng biệt cho từng người hoặc có thể khai cùng trong đơn với người cha hoặc mẹ được bảo lãnh.
  • F2B (Family 2B Preference): Con cái trên 21 tuổi chưa có gia đình. Diện này cho phép con dưới 21 chưa lập gia đình được đi theo.

Bảo lãnh diện F2A và F2B bị giới hạn chỉ tiêu mỗi năm. Người bảo lãnh diện F2A từ 21 tuổi trở lên sẽ được chuyển sang F2B. Sau khi chuyển từ thường trú nhân sang công dẫn thì người bảo lãnh sẽ được chuyển sang diện F1 hoặc F3.

– Con trai tôi đang học lớp 10 tại Việt Nam và chị ruột tôi ở Luân Đôn – Anh. Sắp tới tôi muốn cho con sang học tập tại Anh cùng với chị ruột tôi. Chị tôi muốn bảo trợ tài chính và các khoản phí khách trong suốt quá trình con tôi học ở Anh. Vậy khi làm thủ tục du học cho con, tôi có cần phải chứng minh tài chính hay không? Ngoài ra, các thủ tục để cháu có thể học Trung học ở Anh là gì?

Trả lời:

Mặc dù, người bảo trợ tài chính ở Anh phải chứng minh bằng chứng về thu nhập theo Quy định đối với học sinh đi du học Anh nhưng gia đình tại Việt Nam cũng cần chứng minh có điều kiện tài chính ổn định.

Bạn tìm trường phù hợp cho con dựa vào các tiêu chí lựa chọn như: vị trí địa lý, chương trình đào tạo, học phí, quy mô lớn nhỏ, …

Tùy theo trường mà một bộ hồ sơ có thể gồm: đơn xin nhâp học (rất nhiều trường sử dụng mẫu đơn Chung), bảng điểm học bạ, thư giới thiệu của giáo viên, bài luận theo đề tài quy định, giấy khám sức khỏe, kết quả bài kiểm tra. Lưu ý là các trường tự quyết định điều kiện đầu vào, do đó sẽ có một số khác biệt về bài thi bắt buộc hoặc Phỏng vấn Skype, ….

– Tôi có bạn trai quốc tịch Mỹ, chúng tôi có dự định kết hôn để tôi có thể sang Mỹ du học. Vậy tôi nên chứng minh mục đích sử dụng visa là gì sẽ dễ được chấp nhận hơn? Tôi cần đáp ứng những điều kiện gì để làm giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục xin chuyển đổi visa như thế nào để được cấp thẻ xanh?

Trả lời:

Nếu bạn đang có mặt tại Mỹ theo dạng không định cư như diện du lịch, du học, làm việc hoặc trao đổi văn hóa và sẽ kết hôn ở lại Mỹ với một công dân Mỹ. Bạn có thể nộp đơn xin thẻ xanh tại Mỹ thay vì phải trở lại nước để làm thủ tục bảo lãnh qua Mỹ trở lại. Việc đầu tiên bạn cần làm là đăng ký kết hôn với bạn trai của mình để có giấy hôn thú trước khi nộp hồ sơ xin thẻ xanh. Việc đăng ký kết hôn này tương đối đơn giản và thủ tục thì tùy thuộc vào tiểu bang nơi bạn đang ở. Đa số các tiểu bang rất đơn giản, chỉ cần hai người có mặt mang theo ID là có thể xin kết hôn. Một số tiểu bang yêu cầu bạn phải đăng ký kết hôn trước khi làm lễ kết hôn.

Tôi đang có ý định đi du học Australia, gia đình tôi có thu nhập cao từ việc buôn bán thực phẩm ở chợ. Vậy tôi cần làm gì để chứng minh được nguồn thu nhập này? Trong trường hợp không chứng minh tài chính được, tôi có thể nhờ người thân ở Australia bảo lãnh để làm thủ tục du học hay không?

Trả lời:

Gia đình bạn làm nghề tự do không thể chứng minh bằng tiền lương, thuế hay giấy phép đăng ký kinh doanh, … tuy nhiên, nếu thực sự gia đình có thu nhập cao từ những nghề tự do thì vẫn có thể chứng minh bằng nhiều cách khác nhau.

Bên cạnh đó, bạn có thể nhờ một hoặc nhiều người thân ở nước ngoài bảo trợ cho mình. Bạn cần phải chứng minh được mối quan hệ của bạn với người thân ở nước ngoài và chứng minh được người này có đủ khả năng tài chính để bảo trợ cho bạn. Các giấy tờ tài chính bao gồm: giấy tờ nhà đất, tài khoản ngân hàng, đăng ký kinh doanh, tờ khai thuế, xác nhận tiền lương, …

Đối với du học Australia, cơ hội có visa khi chứng minh tài chính từ phía người thân ở nước ngòai hay ở Việt Nam là như nhau. Việc lựa chọn chứng minh từ phía nào tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Tôi là người Việt Nam và bạn trai tôi là người Hàn Quốc, bạn tôi muốn bảo lãnh cho tôi sang bên đó du học và làm việc. Xin được hỏi, bạn tôi dùng tư cách cá nhân thì có thể bảo lãnh cho tôi được hay không?  Tôi và bạn tôi cần chuẩn bị những thủ tục gì để được nhập cảnh vào Hàn Quốc?

Trả lời:

Nếu người bạn của bạn là người Hàn Quốc muốn bảo lãnh bạn sang Hàn Quốc, thì các bạn cần tìm hiểu cụ thể quy định của pháp luật Hàn Quốc về việc cho người Việt Nam nhập cảnh vào Hàn Quốc theo diện được bảo lãnh.

Trong trường hợp bạn của bạn đủ điều kiện để bảo lãnh cho bạn sang Hàn Quốc theo mục đích của bạn sang Hàn Quốc để du học thì bạn cần đáp ứng điều kiện về xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều điều kiện nhập cảnh theo pháp luật Hàn Quốc. Cụ thể như sau:

Điều kiện thứ nhất, điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/08/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 94/2015/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 136/2007/NĐ-CP) thì: “Công dân Việt Nam mang giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam không cần thị thực”.

Như vậy, công dân Việt Nam muốn được xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam mà không cần thị thực thì cần cung cấp các giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Cụ thể, theo khoản 1, Điều 4 của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP thì những loại giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp gồm:

+ Hộ chiếu quốc gia (hộ chiếu ngoại giao; hộ chiếu công vụ hoặc hộ chiếu phổ thông);

+ Giấy tờ khác (Giấy thông hành biên giới; Giấy thông hành nhập xuất cảnh; Giấy thông hành hồi hương hoặc Giấy thông hành).

Căn cứ theo quy định trên, bạn cần cung cấp hộ chiếu phổ thông để được xuất cảnh Việt Nam mà không cần thị thực. Nếu bạn chưa có hộ chiếu Việt Nam thì bạn phải làm thủ tục xin cấp hộ chiếu Việt Nam theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP. Theo đó, bạn nộp hồ sơ (hồ sơ gồm tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu quy định) và nhận kết quả cấp hộ chiếu tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh theo một trong các cách sau đây:

– Trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc nơi đang tạm trú. Khi nộp hồ sơ phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân của người đề nghị cấp hộ chiếu còn giá trị để đối chiếu.

– Gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú và đề nghị được nhận kết quả qua đường bưu điện. Việc gửi hồ sơ và nhận kết quả qua đường bưu điện thực hiện theo thủ tục do Bộ Công an và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam quy định. Đối với việc nộp hồ sơ qua đường bưu điện thì hồ sơ gồm: Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu quy định, có xác nhận của Trưởng Công an phường, xã nơi đăng ký thường trú và bản chụp giấy chứng minh nhân dân còn giá trị.

– Ủy thác cho cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú. Việc ủy thác thực hiện theo quy định của Bộ Công an.

Sau khi nộp hồ sơ đầy đủ, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh sẽ trả kết quả cho bạn trong thời hạn không quá 8 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.

Điều kiện thứ hai, điều kiện được nhập cảnh vào Hàn Quốc:

Để đáp ứng được điều kiện này, bạn phải được Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cấp cho bạn thị thực phù hợp với mục đích sang đó.

Việc có được cấp thị thực để sang nước đó theo mục đích bảo lãnh của người bạn Hàn Quốc hay không phụ thuộc vào quy định pháp luật của Hàn Quốc. Đó là các quy định về điều kiện người bạn đó có đủ tư cách để được bảo lãnh cho người nước ngoài (Việt Nam) sang Hàn Quốc hay không và bảo lãnh cho người nước ngoài sang Hàn Quốc với mục đích gì. Ngoài ra, nếu được bảo lãnh thì bạn của bạn cần thực hiện những thủ tục gì theo quy định của Hàn Quốc để bảo lãnh cho bạn sang đó.

Đồng thời, bạn phải đáp ứng đủ điều kiện được nhập cảnh sang đó với mục đích cụ thể của bạn (trình độ, độ tuổi, sức khỏe, …).