Các câu hỏi thường gặp về Luật Doanh nghiệp

0
713

 

  1. Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp là công ty cổ phần

Câu hỏi: Tôi là Phương, ở Hà Nội. Hiên nay, tôi có nhu cầu thành lập công ty cổ phần. Mong quý Luật sư tư vấn giúp tôi về trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiêp là công ty cổ phần.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 27 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp như sau:

“Điều 27. Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp

  1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật này cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
  2. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
  3. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, sự phối hợp liên thông giữa các cơ quan trong cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội và đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.”

Theo đó để đăng ký doanh nghiệp cần qua các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty cổ phần

Điều 23 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty cổ phần gồm:

1.Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2.Điều lệ công ty.

3.Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

4.Bản sao các giấy tờ sau đây:

– Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân;

– Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự

– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.

Ngoài ra nếu tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất thì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bước 2: Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Bước 3: Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh chấp nhận tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì người đại diện hoặc người được ủy quyền đến Cơ quan đăng kí để nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

  1. Có được góp vốn bằng đất đang có tranh chấp không ?

Câu hỏi: Tôi đang sở hữu một mảnh đất và đang muốn góp vốn vào công ty của người bạn của mình. Tuy nhiên, tôi và hàng xóm lại mới xảy ra tranh chấp liên quan đến mảnh đất này. Quý luật sư cho tôi hỏi: Đất đang có tranh chấp có được làm tài sản góp vốn không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khoản 13 điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty.

Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.

Tài sản góp vốn có thể là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất (khoản 1 điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Với từng loại hình doanh nghiệp, pháp luật quy định về trình tự, thủ tục góp vốn khác nhau.

Đối với tài sản đăng ký hoặc giá trị QSDĐ, thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (điểm a khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Về điều kiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất, Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 có quy định như sau:

“Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

1.Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

2.Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này

3.Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.”

Như vậy, căn cứ theo quy định trên đất đang có tranh chấp thì không được dùng làm tài sản góp vốn.

  1. Có phải ai cũng có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần không?

Câu hỏi: Ai có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần ?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khoản 3 điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2013 có quy định về tổ chức, cá nhân có quyền mua cổ phần:

“Điều 18.Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

       …………………..

Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.”

Như vậy, căn cứ theo quy định trên các cá nhân, tổ chức là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình và các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức thì không được quyền mua cổ phần.