Giải đáp thắc mắc trong trường hợp chuyển tiền nhầm tài khoản

0
642

 

  • Tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, một trong những nội dung đáng chú ý được bổ sung là trong trường hợp chuyển tiền nhầm tài khoản, ngân hàng có thể phong tỏa tài khoản đã nhận tiền để lấy lại tiền cho khách hàng. Trường hợp người nhận được tiền chuyển nhầm không trả lại cho người chuyển thì sẽ bị xử lý ra sao?

Trả lời:

Tình trạng chuyển tiền nhầm vào tài khoản người khác thường xuyên diễn ra trong thời gian qua, thế nhưng việc xử lý lấy lại tài sản thì vô cùng khó khăn. Theo Khoản 1 Điều 579 Bộ luật dân sự 2015: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Như vậy, hành vi nhận tiền do người khác chuyển nhầm mà không trả lại là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính, Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định người không trả lại tiền chuyển nhầm tài khoản có thể bị phạt tiền như sau:

+ Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu sử dụng trái phép số tiền người khác chuyển nhầm

+Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, người không trả lại tiền chuyển nhầm tài khoản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về:

+ Tội Chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và bị phạt tù cao nhất là 05 năm tù.

+ Tội Sử dụng trái phép tài sản quy định tại Điều 177 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khi sử dụng số tiền bị chuyển nhầm trái phép sẽ bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng và bị phạt tù cao nhất là 07 năm tù giam.

  • Người nhận được tiền chuyển nhầm đó có bị cấu thành tội phạm không? Mức độ xử lý sẽ như thế nào?

Trả lời:

Việc người nhận được tiền chuyển nhầm nếu không trả lại rõ ràng đã vi phạm pháp luật. Nếu có bằng chứng chứng minh rằng phía chủ sở hữu số tiền chuyển nhầm hoặc cơ quan có trách nhiệm đã có yêu cầu trả lại số tiền, người nhận được tiền biết nhưng vẫn cố tình không trả lại hoặc tiêu xài số tiền đó thì người nhận được tiền đã có dấu hiệu vi phạm Tội chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 BLHS năm 2015.

Nếu người vi phạm bị xử lý hình sự về tội danh này thì ngoài hình phạt tù, người vi phạm sẽ phải trả lại, bồi thường cho chủ sở hữu số tiền bị chiếm đoạt.

Trường hợp người nhận được tiền chuyển nhầm chiếm giữ, sử dụng tiền khi chủ sở hữu và cơ quan chức năng chưa có động thái đòi lại tiền, hoặc có đòi lại nhưng (do nhiều nguyên nhân về phương tiện, cách thức liên lạc, …) dẫn đến người nhận được tiền không hề biết.

Trường hợp này việc làm của người nhận được tiền chưa đủ yếu tố để cấu thành tội phạm mà chỉ là vi phạm nghĩa vụ dân sự hoàn trả lại tài sản mình chiếm hữu không có căn cứ pháp luật – theo Điều 579 Bộ luật dân sự năm năm 2015.

Theo đó, người có hành vi chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả lại chủ sở hữu hoặc bàn giao cho cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nếu chiếm giữ, sử dụng thì người đó sẽ phải hoàn lại và bồi thường các thiệt hại phát sinh cho chủ sở hữu.