Thi hành án đối với pháp nhân thương mại

0
867

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thực hiện cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại vẫn đang được tiếp tục mang ra lấy ý kiến. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này chúng tôi đã có những trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội sau đây.

1. Ông có đánh giá như thế nào về những thay đổi của Dự thảo lần này?

Trả lời:

Thời gian vừa qua, khá nhiều vụ việc liên quan đến các vi phạm của pháp nhân thương mại trong hoạt động kinh doanh và các giao dịch, đặc biệt có những trường hợp đã ra quyết định thi hành án nhưng vẫn không nghiêm túc tuân thủ. Nhằm triển khai thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020), Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại vừa được Bộ Công an gửi sang Bộ Tư pháp để thẩm định. Nghị định này sẽ góp phần tạo nên hành lang pháp lý vững chắc hơn trong hoạt động quản lý và xử lý các vi phạm của pháp nhân thương mại. 

Theo đó, Nghị định này quy định về nguyên tắc, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp theo quy định tại Khoản 1 Điều 158 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đối với pháp nhân thương mại chấp hành án và bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế. 

Đối tượng áp dụng là pháp nhân thương mại không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, Nghị định còn áp dụng với Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thi hành cưỡng chế. Tuy nhiên, trong Dự thảo nghị định vẫn còn một số quy định còn chưa rõ ràng, quy định chung chung, khó áp dụng trong thực tế, đơn cử như tại Điều 5 của Nghị định quy định: “Trong quá trình kiểm tra, giám sát chấp hành án của pháp nhân thương mại phát hiện pháp nhân thương mại không chấp hành án hoặc chấp hành không đầy đủ bản án,…cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại lập biên bản về việc không chấp hành án hoặc chấp hành không đầy đủ bản án,… Biên bản được lập theo quy định tại Điều này là một trong những căn cứ để cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra Quyết định cưỡng chế.” Tuy nhiên, dự thảo lại không quy định thời gian để các pháp nhân thương mại tự nguyện thi hành là bao lâu. Bên cạnh đó bản chất của việc thi hành án cưỡng chế đối với pháp nhân thương mại chỉ là biện pháp hành chính, tổ chức kinh tế không giống với việc áp dụng hình phạt như tử hình, bỏ tù, …Vậy nên cũng cần xem xét chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự thì phù hợp hơn và do đó cần tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện Nghị định này.

Hiện tại, Nghị định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại mới chỉ nằm ở dự thảo nên có thể vẫn có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu nằm tại thủ tục, các biện pháp và cơ quan có thẩm quyền thi hành án. Ngoài những vấn đề trên, các pháp nhân thương mại cũng cần lưu ý về quy định cưỡng chế khi thay đổi loại hình kinh doanh. Cụ thể, dự thảo quy định Trường hợp pháp nhân thương mại chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì không làm thay đổi nghĩa vụ thi hành án, hay Pháp nhân thương mại tiếp nhận pháp nhân thương mại đang chấp hành án khi hợp nhất, sáp nhập có trách nhiệm tiếp nhận nghĩa vụ thi hành án của pháp nhân thương mại được hợp nhất, sáp nhập. Do đó, đối với các doanh nghiệp có ý định chuyển đổi mô hình kinh doanh, hợp nhất, sáp nhập cần lưu ý tìm hiểu rõ doanh nghiệp mục tiêu, tránh các hệ lụy sau này.

2. Dự thảo đã đưa ra được 03 biện pháp cưỡng chế quan trọng đối với pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự mà không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Toà án, gồm: Phong toả tài khoản; Kê biên tài sản; Tạm giữ hoặc thu hồi tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại. Ông đánh giá như thế nào về những thay đổi lần này? Liệu những biện pháp này đã đủ để cưỡng chế pháp nhân thương mại chưa ạ?

Trả lời:

Việc đưa ra các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự rõ ràng sẽ mang tính răn đe cao hơn. Trên thực tế, việc các doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc quyết định của bản án không phải là hiếm. Nhiều trường hợp pháp nhân thương mại bị yêu cầu dừng hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn tiến hành buôn bán chui, trường hợp này pháp luật vẫn chưa bao quát hết. Bên cạnh đó, việc thi hành hình phạt đối với pháp nhân thương mại sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực với các bên liên quan, như bảo đảm quyền lợi của người lao động, thanh toán các khoản nợ cho các bên liên quan, … thì được giải quyết như thế nào? Rõ ràng dự thảo cần bổ sung lấy thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện hơn.

3. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi bổ sung biện pháp thông báo và yêu cầu dừng giao dịch với pháp nhân thương mại thi hành án đến tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Ông đánh giá như thế nào về đề nghị này?

Trả lời:

Việc VCCI đưa ra kiến nghị sửa đổi bổ sung biện pháp thông báo và yêu cầu dừng giao dịch với pháp nhân thương mại thi hành án đến tổ chức, cá nhân khác có liên quan là cần thiết. Điều này đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch của các doanh nghiệp cưỡng chế, ngoài ba biện pháp nêu trên. Trong nhiều trường hợp, pháp nhân thương mại tiếp tục thực hiện những hoạt động đã bị cấm trong bản án của Toà án, trong đó có những hoạt động cần có giao dịch với các tổ chức, cá nhân khác. Khi đó, cơ quan thi hành án hình sự cần có biện pháp thông báo đến cho các tổ chức, cá nhân đang giao dịch với pháp nhân thương mại và yêu cầu các tổ chức, cá nhân này dừng các giao dịch trên. Việc thực hiện biện pháp này sẽ ngăn chặn được tận cùng vấn đề, thực thi hiệu quả các biện pháp cưỡng chế và bảo vệ các cá nhân, tổ chức liên quan.

4. Ông hãy đánh giá như tác động của đề xuất này nếu nó đi vào thực tế?

Trả lời:

Đề xuất này đi vào thực tế sẽ tác động mạnh mẽ đến ý thức thi hành án đối với các pháp nhân thương mại. Do nếu bị áp dụng biện pháp này, các doanh nghiệp đối tác sẽ được thông báo tới tình trạng pháp lý của doanh nghiệp hiện tại, tác động đến uy tín và gây bất lợi đến quá trình đàm pháp ký kết hợp đồng và thực hiện giao dịch, điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hoạt động kinh doanh.