Thái Lan áp thuế chống bán phá với thép Việt

0
494
Ủy ban về phá giá và trợ cấp Thái Lan đã quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 6,97%-51,61% (giá CIF) đối với các sản phẩm thép nhập khẩu bị điều tra nhằm ngăn chặn đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này vừa nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan thông báo về việc Thái Lan ban hành kết luận cuối cùng của cuộc điều tra chống bán phá giá đối một số sản phẩm ống, ống dẫn bằng sắt hoặc thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (bao gồm 169 mã HS).
Cụ thể, Ủy ban về phá giá và trợ cấp Thái Lan đã quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 6,97%-51,61% (giá CIF) đối với các sản phẩm thép nhập khẩu bị điều tra nhằm ngăn chặn đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.
Tuy nhiên, thuế chống bán phá giá sẽ được miễn áp dụng đối với nhập khẩu hàng hóa liên quan nhằm sản xuất để xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu với mục đích sử dụng đặc biệt hoặc hàng hóa được xếp vào loại đặc biệt. Chúng tôi đã có những trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law để tìm hiểu về vấn đề này.
1. Ông đánh giá như thế nào về vụ việc này? 
Trả lời:
Việt Nam đang ngày càng phải đối diện nhiều hơn với các vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặt ra nhiều mối lo cho xuất khẩu hàng hóa. Thép cũng là một trong những mặt hàng bị áp dụng thuế chống bán phá giá nhiều nhất bởi tình trạng mượn xuất xứ, hay nói cách khác là gian lận thương mại của nhiều doanh nghiệp, công suất ngành sản xuất thép trên thế giới đang bị dư thừa khiến sản phẩm này của Việt Nam lọt vào tầm ngắm của các nước nhập khẩu. Với mức thuế chống bán phá giá Thái Lan đưa ra đối với mặt hàng ống, ống dẫn bằng sắt hoặc thép dao động từ 6,97%-51,61%, đây có thể được coi là mức thuế khá cao, có tác động tương đối đến việc xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường nước ngoài.
2. Dường như quyết định này đang quá nặng tay?
Trả lời:
Nếu như so sánh với mức thuế của Việt Nam áp dụng với các mặt hàng thép cán nguội nhập khẩu của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia hay Đài Loan thì con số chỉ dao động từ trong khoảng 10,91 – 37,29% thì mức thuế chống bán phá giá mà Thái Lan áp từ 6,97%-51,61% đối với Việt Nam là một quyết định khá nặng tay. 
Theo quy định của Hiệp định chống bán phá giá, lệnh áp thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng tối đa trong 5 năm và hàng năm các thành viên có thể tiến hành rà soát mức thuế áp dụng trên cơ sở có yêu cầu chính thức từ phía các bên liên quan hoặc cơ quan điều tra thấy cần thiết. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục xem xét tham gia các đợt rà soát để bảo đảm quyền và lợi ích trong quá trình Thái Lan rà soát.
3. Vụ việc này sẽ tác động như thế nào tới ngành thép?
Trả lời:
Việc bị áp thuế trong ngành thép để chống lẩn tránh thuế từ các nước đã không còn mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp lớn, có thế mạnh đã chủ động đa dạng hóa thị trường và chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Việc chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ vừa tăng sức cạnh tranh, vừa giúp doanh nghiệp thoát mối lo áp thuế chống lẩn tránh thuế từ các thị trường.
Tuy nhiên, chắc chắn hàng rào thuế quan này sẽ gây tác động gián tiếp tới những sản phẩm xuất khẩu khác từ Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi hàng hoá từ một số quốc gia “đội lốt” xuất xứ để đưa sang Thái Lan, Thái Lan sẽ càng chú ý và sẵn sàng mạnh tay hơn với hàng Việt khi bị doanh nghiệp Thái Lan nghi ngờ về khả năng gian lận thương mại.
4. Làm thế nào để có thể hạn chế các vụ kiện chống bán phá giá cho doanh nghiệp? thưa ông?
Trả lời:
Giải pháp đầu tiên là doanh nghiệp thép trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải tự mình nâng cao khả năng cạnh tranh, chủ động áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu, … để kịp thời ứng phó với những tranh chấp có thể phát sinh trong thương mại quốc tế.
Đồng thời, để tránh các vụ kiện chống bán phá giá, doanh nghiệp ngành thép cần thường xuyên nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế, cấu trúc lại thị trường xuất khẩu, tránh xuất khẩu tập trung vào một thị trường dẫn tới kim ngạch xuất khẩu có sự gia tăng đột biến, tạo lý do cho thị trường nhập khẩu khởi kiện.