Đề xuất vắng mặt tại địa phương 12 tháng liên tục và không khai báo sẽ bị xoá tên trong hộ khẩu: Có hợp lý?

0
486

Bộ Công an đề xuất, nếu ai vắng mặt tại địa phương 12 tháng liên tục và không khai báo sẽ bị xoá tên trong hộ khẩu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định trên chưa phù hợp.

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo luật Cư trú năm 2020, nhằm thay thế luật Cư trú năm 2006, trong đó có việc xóa đăng ký thường trú.

Đáng chú ý, bộ Công an đề xuất, nếu ai vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo tạm vắng cho cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nơi thường trú thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú (xóa hộ khẩu).

Ngoài ra, việc “xóa hộ khẩu” còn áp dụng với những người như: Bị phạt tù có thời hạn từ 12 tháng trở lên, tù chung thân, tử hình; chết, bị tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết; người ra nước ngoài để định cư hoặc có thời gian xuất cảnh từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo…

Dự thảo cũng quy định chính quyền tạo điều kiện với những người bị xóa đăng ký thường trú được đăng ký lại khi trở về địa phương sinh sống. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo quy định trên chưa phù hợp.

Thưa luật sư, trong dự thảo luật Cư trú, ông có đồng tình với đề xuất, nếu ai vắng mặt tại địa phương 12 tháng liên tục và không khai báo sẽ bị xoá hộ khẩu?

Trả lời:

Trước đây, Điều 16 Nghị định số 51/CP ngày 10/05/1997 về việc đăng ký và quản lý hộ khẩu cũng đã từng có quy định xóa tên trong hộ khẩu nếu đi khỏi nơi cư trú mà không khai báo, nhưng quá trình thực hiện nhận thấy quy định này bất cập nên Luật Cư trú năm 2006 đã bỏ quy định này. Mới đây, Bộ Công an lấy ý kiến dự thảo luật Cư trú năm 2020, nhằm thay thế luật Cư trú năm 2006, trong đó có việc xóa đăng ký thường trú. Trong đó, Bộ Công an đề xuất, nếu ai vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo tạm vắng cho cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nơi thường trú thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú.

Rõ ràng kiến nghị này được đề ra nhằm phục vụ công tác quản lý tại địa phương được tốt hơn. Tuy nhiên, đề xuất ai vắng mặt tại địa phương 12 tháng liên tục và không khai báo sẽ bị xoá hộ khẩu sẽ gây nhiều khó khăn và phiền hà không chỉ với người dân mà cả với cán bộ quản lý. Quy định này sẽ gây ra phiền toái nhiều hơn so với các điểm tích cực mà nó mang lại. Hiện nay, không thiếu những công việc đặc thù khiến nhiều người phải đi vắng một thời gian dài, hoặc vì một vài lý do cá nhân phát sinh mà người dân không thể trở về địa phương đúng thời hạn hay chính người đó khi đi xa cũng không biết mình phải đi quá 01 năm nên không thực hiện khai báo.

Tức là quy định này sẽ “làm khó” cho người dân? Luật sư có thể lấy thêm dẫn chứng về những tình huống phát sinh?

Trả lời:

Xóa đăng ký thường trú đối với các đối tượng trên có thể gây nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân ngay cả trong những việc bình thường nhất (ví dụ như: thừa kế, sang nhượng tài sản, khám chữa bệnh, học hành, …). Bởi vậy, các nhà quản lý trước khi ban hành quy định nên dự liệu hết các tình huống cho phù hợp với thực tế để vừa thuận tiện trong quản lý, vừa không ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, trong đó lợi ích người dân phải được đặt lên hàng đầu.

Như vậy, quy định “vắng nhà 12 tháng liên tục và không khai báo sẽ bị cắt khẩu” là không phù hợp?   

Trả lời:

Thứ nhất quy định “vắng nhà 12 tháng liên tục và không khai báo sẽ bị cắt khẩu” sẽ gây nên phiền hà cho người dân như trên. Thứ hai, nếu quy định này được ban hành cũng gây ra phức tạp cho cán bộ quản lý địa phương. Riêng việc xóa bỏ hộ khẩu đã phải thực hiện nhiều thủ tục khác nhau, rồi đến khi họ muốn nhập hộ khẩu trở lại cũng phải trải qua các bước như khai phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu; Giấy chuyển hộ khẩu; Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp…Trong khi trên thực tế công tác quản lý nhân khẩu đã có quy định về đăng ký tạm trú, tạm vắng.

Theo ông, chỉ nên xóa hộ khẩu trong những trường hợp như thế nào?

Trả lời:

Điều 22 Luật cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) có quy định về các trường hợp xóa đăng ký thường trú bao gồm:

Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xoá đăng ký thường trú:

– Chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;

– Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại;

– Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của Luật này;

– Ra nước ngoài để định cư;

– Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.

Thiết nghĩ, xóa hộ khẩu trong các trường hợp theo quy định tại Điều 22 Luật cư trú năm 2006 hiện nay là hợp lý.

Vậy theo luật sư, muốn quản lý tốt việc cư trú của người dân, cần tập trung vào những vấn đề gì?

Trả lời:

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú của người dân, trước tiên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đổi mới phương thức, hình thức tuyên truyền vận động hướng dẫn nhân dân chấp hành tốt các quy định về đăng ký, quản lý nhân khẩu tạm trú, tạm vắng.

Thứ hai, cần tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, nắm tình hình về nhân khẩu trên địa bàn được phân công. Để thực hiện hiệu quả, cần phải có sự phối hợp với nhau giữa các tổ chức các ban ngành. Hơn nữa phải đề ra những phương pháp kiểm tra để thay đổi liên tục đảm bảo khách quan và chính xác như là kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, kiểm tra chéo, … Nhờ biện pháp này, cơ quan công an mới có thể nhìn nhận ra những vấn đề thiếu xót để cải thiện hoặc phát hiện những đối tượng tạm trú không khai báo để xử lý theo quy định của pháp luật hoặc phục vụ điều tra. Nếu lực lượng này thường xuyên xuống địa bàn nắm bắt tình hình sẽ quản lý tốt hơn thay vì đưa ra các quy định ràng buộc, gây khó khăn cho người dân.

Thứ ba, đối với người cố tình vi phạm phải xử phạt nghiêm minh, tránh hiện tượng “nhờn” luật.

Đồng thời, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần áp dụng khoa học công nghệ, liên thông, nối mạng trong toàn bộ hệ thống. Cụ thể, là cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, thủ tục đơn giản, nhanh gọn và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú, tránh đi lại nhiều lần gây phiền hà cho công dân. Có kế hoạch đầu tư, sử dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý để xây dựng hệ thống dữ liệu về cư trú cấp cơ sở.