Chế độ bảo hiểm xã hội đối với người khuyết tật

0
470

Câu hỏi:

Thưa luật sư. Tôi năm nay 31 tuổi (là người khuyết tật), tôi tham gia bảo hiểm xã hội được 01 năm. Vậy luật sư cho hỏi: Tôi phải đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm mới được hưởng chế độ lương hưu? Và bao nhiêu tuổi sẽ đủ tuổi hưu ạ?”

Luật sư trả lời:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn về chế độ bảo hiểm xã hội cho người khuyết tật, chúng tôi xin tư vấn như sau:

  1. Về chế độ bảo hiểm đối với người khuyết tật (NKT)

  • Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Luật việc làm năm 2013 không có quy định gì về mức đóng BHXH dành riêng cho đối tượng người lao động (NLĐ) là NKT. Do đó, NKT được xem là đối tượng người lao động (NLĐ) được hưởng các chế độ BHXH, BHTN giống như những NLĐ bình thường khác.

  1. Về điều kiện hưởng chế độ lương hưu của người lao động

  • Theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hiện hành, sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 219 Bộ luật lao động 2019 (có hiệu lực từ 01/01/2021), NLĐ được hưởng lương hưu khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, độ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

  • Khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động 2019 cũng quy định rằng, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Như vậy, trong trường hợp này, để có thể hưởng chế độ lương hưu, người lao động sẽ phải đóng bảo hiểm đủ 19 năm nữa, đồng thời, tuổi hưu của người lao động sẽ phải đáp ứng điều kiện đủ 62 tuổi (đối với lao động nam) hoặc đủ 60 tuổi (đối với lao động nữ).